Tìm hiểu về nhôm
Nhôm (Al) là một nguyên tố hiện diện phong phú trong vỏ trái đất (chiếm tỷ lệ 8%).Trong tự nhiên, nhôm có nhiều trong đất, đá, nước…và thường tồn tại ở dạng hợp chất.
Nhôm là kim loại có màu ánh bạc, có tính bền, cứng, có khả năng chống oxy hóa cao… nên được ứng dụng nhiều trong đời sống như chế tạo các đồ dùng nấu bếp, làm thân máy bay, vật liệu xây dựng, phụ gia thực phẩm. Ngoài ra, nhôm còn được sử dụng trong mỹ phẩm, dược phẩm,...
Trong dược phẩm, nhôm thường được sử dụng ở dạng hydroxyt nhôm, oxyt nhôm, sulfat nhôm… trong thành phần của các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng acid (antacid) có tác dụng trung hòa acid dịch vị, được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày.
- Chất đệm thuốc aspirin.
- Chất khử mùi, chống tăng tiết mồ hôi…
Khi sử dụng dược phẩm, mỹ phẩm… có chứa nhôm, với nồng độ cao trong một thời gian dài, nhôm có thể gây ra các nguy cơ đối với sức khỏe.
Sự tích tụ nhôm và những nguy cơ đối với sức khỏe
Sau khi hấp thu vào cơ thể, nhôm thường nhanh chóng được đào thải ra khỏi cơ thể theo phân, chỉ một lượng nhỏ đào thải theo nước tiểu. Sự tích tụ nhôm gây hại cho sức khỏe, xảy ra trong các trường hợp sau:
Sử dụng các sản phẩm có chứa nhôm (dược phẩm, thực phẩm…) với nồng độ cao, trong một thời gian dài.
Người bị tổn thương chức năng thận…
Theo các nhà khoa học, sự tích tụ nhôm trong cơ thể sẽ gây ra những nguy cơ đối với sức khỏe:
Nguy cơ gây ra các bệnh lý về xương: khi vào cơ thể, nhôm (Al) sẽ cạnh tranh với canxi (Ca), ngăn cản sự hấp thu canxi vào xương. Quá trình này kéo dài sẽ gây ra các nguy cơ bệnh lý về xương (loãng xương, nhuyễn xương…)
Nguy cơ gây lú lẫn, suy giảm nhận thức: nồng độ cao nhôm trong cơ thể gây ra độc tính đối với các tế bào thần kinh. Với người cao tuổi, khi sử dụng các sản phẩm có chứa nhôm trong thời gian dài, sẽ gây ra lú lẫn, suy giảm nhận thức.
Ngoài ra, nhôm còn liên quan đến các bệnh lý gây tổn thương não như bệnh Alzheimer, Parkinson…
Nguy cơ gây thiếu máu: nồng độ cao nhôm trong cơ thể làm giảm tổng hợp heme và globulin (là những thành phần cấu tạo nên huyết sắc tố hemoglobulin), làm tăng tán huyết phá hủy hồng cầu. Ngoài ra, nhôm còn ngăn cản sự hấp thu sắt trong cơ thể, cũng như sự vận chuyển sắt trong huyết thanh gây ra nguy cơ thiếu máu.
Để phòng tránh các nguy cơ đối với sức khỏe do nhôm gây ra, cần lưu ý:
Đảm bảo an toàn thực phẩm với nồng độ nhôm theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): không được vượt quá 2mg/1kg cân nặng cho mỗi người trong 1 tuần.
Tránh sử dụng các sản phẩm có chứa nhôm với nồng độ cao trong thời gian dài.
- Khi sử dụng các dược phẩm có chứa nhôm (thuốc kháng acid), cần có sự tư vấn của thầy thuốc;
- Tránh chế biến các thực phẩm có tính acid (cà chua, cải chua…) trong đồ dùng nấu bếp có chứa nhôm vì làm gia tăng sự hấp thụ nhôm.