Bỏng lưng do giác hơi bằng lửa

16-04-2010 16:19 | Y học 360
google news

Theo Đông Y, giác hơi có công dụng trục ngoại khí, lưu thông khí huyết, tiêu sưng, giảm đau, tan ứ huyết… thông qua việc tác động đến các kinh lạc, huyệt vị tương ứng. Nói chung, mục tiêu của giác hơi theo Y học cổ truyền là tìm cách trục hết hư khí ra ngoài và phục hồi chính khí cho cơ thể nạn nhân

Một trường hợp điển hình

Sáng ngày 8/4/2010, Cụ V.S. 70 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM than mệt, cảm lạnh đã 2 ngày, nhờ con gái đưa đi khám bệnh. Con gái của cụ nghĩ ba mình chỉ bị cảm lạnh sơ sơ thôi nên không đưa cụ đi khám, nói cụ để con giác hơi cho ba là khỏe liền. Đã lâu không giác hơi, nên lần này con gái cụ thao tác không được nhuần nhuyễn lắm, cô gái sử dụng phương pháp giác hơi bằng lửa hay còn gọi là giác lửa, tức dùng lửa (nhiên liệu thường là cồn 90 – 95độ) để lấy hết oxy trong ống giác (làm bằng sứ hay thủy tinh, lòng tròn cỡ hủ yaourt) rồi “đóng mộc” thật nhanh lên nhiều vùng da trên lưng. Trong quá trình dùng cồn đốt ống giác, cô đã sơ ý làm đổ cồn vào lưng cụ, cồn có lửa liền cháy mạnh làm bỏng da vùng lưng, ngực trái, cánh tay trái, và tóc phía sau bị cháy xém. Hoảng quá, cô gái lấy áo cụ chụp lên lưng cụ để dập tắt ngọn lửa. Lúc này cụ than đau, rát nóng dữ dội, được gia đình đưa đi cấp cứu bằng taxi.

Cụ vào viện lúc 11 giờ cùng ngày, trong tình trạng vẻ mặt hoảng hốt, toàn bộ vùng da lưng ngực trái và một phần cánh tay trái bị hoại tử và rụng thành từng mảng lớn. Bỏng đã phá hủy các lớp tế bào ở da: lớp tế bào sừng, lớp biểu bì, trung bì. Các bác sĩ cấp cứu xác định là ca bỏng sâu độ 3 do nhiệt khá nặng, diện tích bỏng là 25%, liền tiến hành hồi sức tích cực khẩn trương nhằm tránh bị sốc do bỏng nặng.

Không phải ai cũng có thể giác hơi

Theo Đông Y, giác hơi có công dụng trục ngoại khí, lưu thông khí huyết, tiêu sưng, giảm đau, tan ứ huyết… thông qua việc tác động đến các kinh lạc, huyệt vị tương ứng. Nói chung, mục tiêu của giác hơi theo Y học cổ truyền là tìm cách trục hết hư khí ra ngoài và phục hồi chính khí cho cơ thể nạn nhân (cảm là đã nhiễm phong hàn hay còn gọi là trúng gió). Tuy nhiên, chứng cảm lạnh thường là tình trạng nhiễm trùng cấp đường hô hấp trên do các virus thường trú tại vùng họng gây ra. Bình thường, đám virus này chung sống hòa bình với người bệnh, nhưng khi thời tiết thay đổi, nhất là tiết trời trở lạnh hoặc sức khỏe giảm sút, lập tức đám virus có cơ hội gây bệnh, giác hơi không thể “hạ” được virus nên có thể hiểu sự can thiệp của những chiếc ống giác chỉ nhằm giảm thiểu các triệu chứng của cảm lạnh mà thôi.

Có nhiều kiểu giác hơi như giác nước (dùng ống giác bằng gỗ nhúng vào nước nóng), giác hút (dùng bóng cao su) nhưng thông dụng nhất là giác lửa tức dùng lửa (nhiên liệu thường là cồn 90 – 95độ), mục đích của các kiểu giác này là để hút hết không khí trong ống giác rồi “đóng mộc” lên nhiều vùng da trên lưng. Khi ống giác hút chặt vào da sẽ gây hiện tượng sung huyết hoặc tụ huyết tại chỗ giác để chữa bệnh. Tuy nhiên kiểu giác lửa là kiểu gây nguy hiểm nhất có thể gây bỏng cho người được giác hơi, chủ yếu do sự bất cẩn của người giác hơi gây nên.

Hiện nay, để an toàn trong sử dụng giác hơi, các nhà sản xuất dụng cụ y tế đã nhanh tay tung ra thị trường nhiều kiểu ống giác áp dụng kỹ thuật hiện đại như: ống giác chân không, ống giác điện từ… thuận tiện và không sợ bỏng cho người dùng.

Ngoài ra không phải ai cũng có thể giác hơi được, nên lưu ý những điều sau:

Liệu pháp giác hơi chỉ nên dùng trong những trường hợp sau: cảm lạnh, cảm nóng, đau đầu chóng mặt, mắt sưng đỏ đau, ho suyễn, hoặc suyễn có đờm mạn tính, đau bụng, sôi bụng, đại tiện phân lỏng nhão, đau nhức cơ xương khớp.

Không nên dùng giác trong những đối tượng: người đang gầy khô, người có cơ đàn hồi kém, người đang bị phù, người sốt cao mê sảng, người đang bị sốt phát ban, vùng da có bệnh, hoặc co giật toàn thân. Không giác ở các vùng: có mạch máu nhiều, nơi xương gồ lên, vùng đầu có tóc, mỏm tim, núm vú, mắt, mũi, tai, vùng bụng dưới và vùng xương cùng của thai phụ. Nếu có cạo gió kèm theo thì không sử dụng đồng xu, nắp hộp cù là, muỗng nhôm kém vệ sinh.

BS. TRẦN MẠNH HÀ


Ý kiến của bạn