SKĐS - Hà Nội những ngày tháng 7 nắng nóng hầm hập. Trong căn phòng bệnh viện, giữa những bức tường trắng và mùi thuốc sát trùng quen thuộc, có một người phụ nữ ngoài 80 tuổi vẫn đang miệt mài với công việc…

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, Đại tá, TTND.PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn điều phối các dự án thiện nguyện qua điện thoại, bà say sưa kể với tôi về đàn dê đang sinh sôi, về nương chè đang lên xanh mơn mởn ở vùng đất Sơn La xa xôi. Cuộc đời bà là một bản hùng ca thầm lặng về sự hy sinh và cống hiến, một hành trình trải dài từ chiến trường khói lửa đến những ngày tháng gieo mầm hy vọng cho cuộc đời.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 1.

Tôi đến gặp TTND.PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu trong hoàn cảnh khá đặc biệt khi bà và người bạn đời của mình là GS.TS Nguyễn Lân Dũng đang cùng điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai. Ông bà tuổi đã cao lại có nhiều bệnh nhưng cả hai không chỉ lạc quan sống, mà còn truyền cảm hứng sống tích cực qua mỗi việc làm.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 2.

Vợ chồng GS.TS Nguyễn Lân Dũng và TTND.PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu.

Vừa bước qua cánh cửa vào khoa điều trị, cô điều dưỡng tên Xuân nhanh nhẹn chào hỏi và đưa tôi đến gặp người phụ nữ dù đang phải chịu đựng những cơn đau từ căn bệnh cột sống nhưng đôi mắt vẫn sáng lên ngọn lửa nhiệt huyết - thứ ánh sáng của ý chí, nghị lực và niềm tin không bao giờ tắt.

Ít ai biết rằng, nữ bác sĩ quân y kiên trung ấy vốn là "cành vàng lá ngọc", sinh ra trong một gia đình danh giá. Cha bà là cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, còn mẹ là bà Vi Kim Ngọc, con gái của Tổng đốc Vi Văn Định.

Lớn lên trong một môi trường tri thức và nền nếp, cô tiểu thư Nguyễn Kim Nữ Hiếu khi ấy có đầy đủ điều kiện để lựa chọn một cuộc sống an nhàn, bình yên. Thế nhưng, khi đất nước chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trái tim của người con gái Hà Nội ấy đã hòa chung nhịp đập với triệu triệu trái tim yêu nước.

Hưởng ứng phong trào "Ba đảm đang" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, tháng 5/1965, cô sinh viên y khoa Nữ Hiếu cùng 100 sinh viên Đại học Y Hà Nội khoá 1960-1965 tình nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 3.

Người phụ nữ nhỏ bé luôn thường trực nụ cười lạc quan ngay cả trong gian khó.

Giữa hàng trăm sinh viên ngành y ra tiền tuyến, bà cùng đồng nghiệp mang theo trái tim khao khát được cống hiến sức trẻ của mình. Nhưng với bà, "đó không phải là sự hy sinh mà là một niềm vinh dự, một nghĩa vụ thiêng liêng".

Những ngày đầu trong quân ngũ là chuỗi ngày rèn luyện gian khổ tại Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (tiền thân của Học viện Quân y). Sau khóa huấn luyện, bà được về tại Quân Y viện 9, rồi Đội điều trị 11 và Viện Quân y 108 (sau này là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Cuộc đời bà bước sang một ngã rẽ lớn khi đầu năm 1972, bà nhận lệnh lên đường đi B, chi viện cho chiến dịch Quảng Trị lịch sử.

Lệnh điều động đến đúng vào thời điểm thiêng liêng nhất của cuộc đời người phụ nữ. PGS Nữ Hiếu vừa mới xây dựng gia đình với người đồng chí, đồng đội của mình - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, vào tháng 9/1971. Và điều đặc biệt hơn, một niềm hạnh phúc thầm lặng vừa nảy mầm trong cơ thể – bà đã mang thai đứa con đầu lòng.

Đứng trước lựa chọn giữa hạnh phúc riêng tư và nghĩa vụ lớn lao với non sông, nữ bác sĩ quân y trẻ tuổi đã đưa ra một quyết định mà đến tận bây giờ khi kể lại vẫn khiến người nghe không khỏi xúc động. Bà âm thầm giấu đi niềm vui sắp được làm mẹ, nén lại mọi nỗi niềm riêng tư để trọn vẹn với lời thề người lính quân y.

Khi chồng lên đường phục vụ trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, bà Nữ Hiếu cũng lặng lẽ lên đường, mang theo cả sinh linh bé bỏng và một trái tim quả cảm. Hành trình vào chiến trường của bà là một chặng đường gian khổ, phải hành quân bộ băng rừng, lội suối, vượt qua những quả núi cao, có quả núi cao trên 1.500 m từ Quảng Bình (cũ) vào đến Quảng Trị.

Trái tim luôn chan chứa yêu thương ấy hiểu rằng, ở ngoài kia, nơi tiền tuyến khốc liệt, có biết bao đồng đội, đồng bào đang cần đến bàn tay của người thầy thuốc...

Đoàn hành quân xuyên rừng, đến đoạn chuẩn bị vượt Bãi Hà thì sức bà yếu dần. Giữa rừng sâu bạt ngàn, đoàn quyết định để bà ở lại cùng y tá Thuý Quỳnh. Hai chị em nhìn nhau, nước mắt lưng tròng nhưng không ai thốt nên lời than vãn. Thay vào đó, họ siết chặt tay, bảo nhau phải rèn luyện thật nhanh để sớm bắt kịp đoàn, trở lại chiến trường.

Hai người phụ nữ nhỏ bé, vai đeo ba lô nặng trĩu, vẫn cắn răng vượt núi quay trở lại cụm mặt trận H1, báo cáo với chỉ huy rằng họ sẽ ở lại rèn luyện sức khỏe để tiếp tục hành trình. Chỉ sau một tuần miệt mài luyện tập, khi nghe tin có đoàn của Đội điều trị 204 chuẩn bị vào Quảng Trị, họ liền xin được gia nhập, mang theo quyết tâm cháy bỏng dù gian khổ đến đâu, cũng không để lỡ nhịp bước của cuộc kháng chiến.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 4.

Bác sĩ Nữ Hiếu chăm sóc và động viên các chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ ở chiến trường.

Bà cùng đoàn 730B được tăng cường cho Đội điều trị 204, đóng quân ở làng Hoàng Tập, khe By Hiêm, huyện Hướng Hóa (cũ) – nơi bom đạn giặc ngày đêm dội xuống ác liệt. Thời điểm đó, phòng mổ không khi nào tắt đèn bởi thương binh đưa về liên tục. Để giữ được mạng sống cho họ, các y bác sĩ vừa phải đào hầm tránh bom, vừa gùi gạo, dựng lán, xây hầm mổ dã chiến giữa rừng.

Riêng bà Nữ Hiếu đang mang thai nên được phân công chăm sóc thương bệnh binh, đảm nhận công việc của cả bác sĩ, y tá lẫn hộ lý. Bà vừa rửa vết thương, tiêm truyền, vừa đun nước, bón cơm, động viên tinh thần cho bộ đội. Trong từng giây phút ngắn ngủi giữa ca trực, bà tranh thủ tự học để nâng cao tay nghề, rồi cùng các bác sĩ giảng bài, tập huấn chuyên môn cho đồng nghiệp. Bà còn mạnh dạn đăng ký thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học về điều trị sốt rét ác tính và sốt rét sơ nhiễm – những căn bệnh cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sĩ nơi rừng thiêng nước độc.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 5.

Nữ Hiếu trong một lần được gặp Bác Hồ kính yêu.

“Những ngày ấy, mỗi lần nhìn thấy bộ đội bị thương, mất đi một phần thân thể, hay chứng kiến những nữ chiến sĩ rối loạn thần kinh vì sống lâu ngày trong rừng sâu, hoặc khi phải tiễn biệt đồng đội nằm lại chiến trường, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ: Làm mọi việc bằng tất cả sức lực và trái tim mình, để quyết thắng giặc”, bà Hiếu nghẹn giọng chia sẻ.

Đêm đến, trong những cánh rừng Trường Sơn, người phụ nữ trẻ vẫn thầm thì trò chuyện với đứa con trong bụng, mong con khỏe mạnh để cùng mẹ hoàn thành nhiệm vụ. Khi thai nhi được 6 tháng, bà ra Bắc, tiếp tục công tác ở Viện Quân y 108 nhưng bà vẫn hướng về chiến trường, bằng những đề tài nghiên cứu về sốt rét và lỵ trực khuẩn. Đây là hai bệnh mà bộ đội mắc nhiều nhất, nhằm có phác đồ điều trị hiệu quả để giảm tử vong cho bộ đội, đảm bảo sức chiến đấu…

Câu chuyện về nữ bác sĩ có thai vẫn xung phong ra mặt trận đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần "Ba đảm đang", một minh chứng cho phẩm chất "thép" của những người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến.

Và như cổ tích giữa đời thường, em bé từng nằm trong bụng mẹ, cùng mẹ băng rừng Trường Sơn giữa bom đạn, vượt muôn trùng hiểm nguy để vào chiến trường Quảng Trị ác liệt năm xưa, nay đã trưởng thành, trở thành một trong những chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam. Đó chính là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV. Cuộc đời ông như minh chứng sống động cho ý chí kiên cường của cả một thế hệ, cho thấy những đứa trẻ sinh ra từ khói lửa chiến tranh vẫn lớn lên, vươn mình phụng sự đất nước bằng trí tuệ và y đức vẹn toàn.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 6.

Hòa bình, bác sĩ Nữ Hiếu tiếp tục cống hiến không mệt mỏi trong quân đội. Bà kinh qua nhiều vị trí công tác, từ Khoa Truyền nhiễm, Khoa Cán bộ cao cấp, Khoa Nhi, cho đến chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Không ngừng học hỏi, bà còn được cử đi tu nghiệp về quản lý bệnh viện tại Ba Lan, mang những kiến thức tiên tiến về phục vụ đất nước.

Năm 2003, PGS Nữ Hiếu chính thức nhận sổ hưu, nhưng với một người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu người, cho màu xanh áo lính, hai từ "nghỉ ngơi" dường như quá xa lạ. Bà tâm niệm một cách giản dị: "Mình không thể nào không làm việc gì được. Còn sức là còn cống hiến". Trái tim người lính, khối óc của người thầy thuốc không cho phép bà dừng lại. Một hành trình mới lại mở ra…

Nghỉ hưu hơn 20 năm, nhưng PGS Nữ Hiếu vẫn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Bà dành 10 năm đầu tiên sau khi nghỉ hưu để tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh, rồi 10 năm tiếp theo cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bà tiếp tục sống giữa tình đồng đội, sẻ chia, giúp đỡ những người đã chịu quá nhiều mất mát, đau thương từ di chứng chiến tranh.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 7.

Nữ bác sĩ quân y miệt mài với các chuyến thiện nguyện khi đã về hưu.

Không dừng lại ở đó, bà cùng những người bạn tâm huyết đã sáng lập nên nhóm "Nữ trí thức - Bạn của bạn". Đây không chỉ là một câu lạc bộ, mà đã trở thành một tổ chức thiện nguyện hoạt động đầy năng nổ và hiệu quả. Nhóm đặt ra hai mục tiêu chính: một là xoa dịu, chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân chất độc da cam; hai là giúp đỡ những phụ nữ nghèo nơi biên cương, giúp họ có một sinh kế bền vững để vươn lên thoát nghèo.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 8.

Vùng đất Mộc Châu, Sơn La, nơi có cửa khẩu Lóng Sập, đã trở thành nơi bà và nhóm thiện nguyện của mình dành nhiều tâm huyết nhất. Xuất phát từ một dự án trồng cây Sa chi trước đó của Hội Nữ trí thức Việt Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam (cũ) phát động với phong trào "Giúp đỡ phụ nữ vùng biên cương xoá đói giảm nghèo", khi hết dự án, bà đã cùng nhóm "Nữ trí thức – Bạn của bạn" tiếp tục đồng hành, nối dài những việc thiện, gieo mầm hy vọng và lan toả cơ hội vươn lên cho chị em nơi biên giới còn lắm gian khó.

Với triết lý "giúp người phải giúp cho đến nơi đến chốn, giúp để người ta sướng lên hẳn hoi", bà Nữ Hiếu cũng các cộng sự đã bắt tay vào xây dựng các mô hình sinh kế bền vững.

Dự án đầu tiên là "Nuôi dê sinh sản" ở Lóng Sập. Với 50 triệu đồng quyên góp được, bà Nữ Hiếu đã trao cho 5 hộ gia đình dân tộc Mông ở Lóng Sập, mỗi hộ 4 con dê làm vốn. Bà cùng bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương ký một biên bản liên kết, theo dõi, kiểm tra sát sao từng bước. Bà còn tỉ mỉ hướng dẫn đồng bào cách làm chuồng trại sao cho hợp vệ sinh, cung cấp thức ăn ban đầu, thậm chí còn mời cả chuyên gia kỹ thuật về tận nơi để tập huấn.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 9.

Dự án "Nuôi dê sinh sản" tạo sinh kế bền vững cho bà con ở Lóng Sập.

PGS Nữ Hiếu nói: "Phải làm cho chắc, để bà con thực sự có được cái cần câu, chứ không chỉ là con cá". Nhờ sự tận tâm đó, từ 20 con dê ban đầu, đàn dê đã sinh sôi nảy nở, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Tiếp nối thành công, bà triển khai dự án "Trồng chè Shan tuyết" ở xã biên giới Chiềng Khừa. 16.000 cây chè giống đã được trao đến tay hai hộ gia đình, với tỷ lệ sống lên tới 95%. Những nương chè xanh mơn mởn hôm nay chính là hy vọng về một tương lai ấm no hơn cho bà con.

Gần đây nhất, bà lại tiếp tục triển khai mô hình "Nuôi lợn rừng" cho các hộ gia đình khác tại vùng cao Chiềng Khừa.

Không chỉ là các dự án lớn, tấm lòng của bà còn lan tỏa qua những món quà thiết thực. PGS Nữ Hiếu thường xuyên vận động bạn bè, các nhà hảo tâm quyên góp được hàng tấn quần áo, đồ dùng học tập.

Năm 2024, bà đã kết nối và xin được 100 bộ sách giáo khoa mới tinh cho các em học sinh lớp 5 và lớp 9 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 10.

Nhóm thiện nguyện của PGS Nữ Hiếu đã kêu gọi, ủng hộ, vận chuyển 15 tấn bàn ghế, tủ, đồ dùng học tập cho trẻ vùng cao.

Gần đây nhất, nhóm thiện nguyện của bà lại vận chuyển 15 tấn bàn ghế, tủ, đồ dùng học tập từ một trường tư thục ở Hà Nội lên cho các em vùng cao. Đồng thời tặng tivi, làm khu ngăn cách nơi học với nơi bán trú, làm mái sân chơi cho trường mẫu giáo.

Bà còn nhiệt tình tham gia và ủng hộ vào các dịp Tết "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản các xã" do đồn biên phòng tổ chức...

Mỗi chuyến đi ấy là một hành trình dài 500 cây số, xuất phát từ 4 giờ sáng lúc trời còn tối mịt, và trở về Hà Nội khi đã quá 22 giờ đêm. Ấy vậy mà bà chưa một lần than mệt, bởi niềm vui trong ánh mắt của những đứa trẻ vùng cao là động lực lớn nhất cho người phụ nữ ấy tiếp tục cống hiến.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 11.

Có lẽ ít người biết rằng, đằng sau nguồn năng lượng tưởng chừng vô tận ấy là một cơ thể đã trải qua vô vàn những thử thách của bệnh tật. Bác sĩ Nữ Hiếu chính là một "bông hồng thép" kiên cường. Bà đã phải thay hai khớp gối giả. Căn bệnh thoái hóa cột sống nặng đã khiến bà lùn đi tới 8cm. Năm 2020, bà đối mặt với chẩn đoán ung thư tử cung, phải trải qua một cuộc đại phẫu và 6 đợt hóa trị ròng rã. Chỉ một năm sau, bà lại liên tiếp phải mổ hai lần vì tắc ruột…

Ấy vậy mà, trong suốt những ngày tháng chống chọi với bệnh tật, người ta chưa bao giờ thấy bà gục ngã hay than vãn. Ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh, bà vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chồng - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, người bạn đời cũng đang phải chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. 6 năm nay, kể từ khi chồng lâm bệnh, bà chưa một ngày rời xa, tự tay chăm sóc, động viên ông.

Chiếc giường xếp đơn sơ trong phòng bệnh viện đã trở thành người bạn đồng hành của bà, minh chứng cho một tình yêu, một nghĩa tình son sắt, vượt qua mọi bão giông của cuộc đời. Bà và chồng vẫn gọi nhau trìu mến là "bố", là "mẹ", một cách gọi giản dị mà ấm áp, chứa đựng cả một đời yêu thương. Chiều hôm ấy, khi thấy ông đi điều trị về đến phòng có vẻ mệt mỏi, bà liền động viên rồi bước ra sảnh chờ để trò chuyện với tôi, nhưng vẫn không quên ngoái lại dành cho ông ánh nhìn trìu mến, nhỏ nhẹ nói: "Bố nằm nghỉ đi nhé, mẹ ra ngoài này một chút rồi về thôi…".

Khi được hỏi về bí quyết để giữ được tinh thần lạc quan và sự năng nổ ấy, bà chỉ cười hiền, đôi mắt ánh lên niềm vui chân thành: "Cô quan niệm là mình còn cống hiến được gì thì mình cứ cố gắng. Mình sống phải có ích, phải lan tỏa được những điều tốt đẹp". Với người phụ nữ ấy, việc giúp đỡ người khác không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vui, là lẽ sống, là nguồn năng lượng để bà vượt qua mọi khó khăn.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 12.

‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 13.
‘Bông hồng thép’ Nguyễn Kim Nữ Hiếu: Từ chiến trường khói lửa đến hành trình gieo mầm hy vọng nơi biên cương- Ảnh 14.

"Mình không thể nào không làm việc gì được. Còn sức là còn cống hiến" - PGS Nữ Hiếu tâm niệm.

Cuộc đời của nữ bác sĩ quân y Nguyễn Kim Nữ Hiếu là một bản anh hùng ca thầm lặng của người chiến sĩ áo trắng, một minh chứng sống động cho phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Từ một người lính trẻ kiên trung nơi chiến trường, một nhà lãnh đạo tận tâm trong thời bình, và giờ đây là một "bà tiên" của những người dân nghèo nơi biên cương, bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa và đầy ắp tình yêu thương.

PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu chính là một "bông hồng thép" đích thực, một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần "Ba đảm đang" của phụ nữ Việt Nam, một tinh thần không chỉ rực cháy trong thời chiến mà còn tiếp tục tỏa sáng, lan tỏa yêu thương trong thời bình. Và ngọn lửa cống hiến trong trái tim bà, chắc chắn sẽ không bao giờ tắt…

Ý kiến của bạn