Bông hồng lặng lẽ

20-08-2019 10:56 | Y tế
google news

SKĐS - Năm 1981, cô bác sĩ trẻ nhỏ nhắn, xinh xắn tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Hà Nội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc chị đã viết đơn tình nguyện lên với núi rừng Hoàng Liên Sơn nơi biên cương trùng điệp làm công việc mà mỗi sinh viên ra trường đều ước ao cống hiến bằng cả con tim và khối óc của mình.

Khó khăn thách thức và khát vọng tuổi trẻ

Yên Bái ngày trước là tỉnh Hoàng Liên Sơn, một tỉnh miền núi phía Bắc đặc biệt khó khăn. Người dân nơi đây còn nghèo và lạc hậu, ngôn ngữ bất đồng, đường sá đi lại quá khó khăn, vừa trải qua cuộc chiến tranh biên giới xảy ra năm 1979. Là sinh viên tốt nghiệp Đại học Y khoa loại giỏi, BS. Đào Thị Ngọc Lan có nhiều cơ hội ở thành phố làm việc, nhưng tình yêu nghề và khát vọng được cống hiến đã không ngăn được bước chân nhỏ bé của cô bác sĩ trẻ mang tên loài hoa tao nhã. Về đến Bệnh viện tỉnh Hoàng Liên Sơn, chị được phân công công tác tại Khoa Ngoại, Khoa Hồi sức cấp cứu. Đây là nơi “đầu sóng ngọn gió”, đòi hỏi bác sĩ trẻ phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, nhanh nhạy trong cấp cứu, khám và điều trị cho người bệnh.

Ngày ấy cơ sở vật chất bệnh viện còn nghèo nàn, trang thiết bị máy móc chưa có gì, tất cả dựa vào kinh nghiệm, người đi trước truyền dạy cho người đi sau, cuộc sống còn thiếu thốn đủ đường, cơm không đủ no, ăn hạt bo bo, bột mì hôi được cấp phát theo tem phiếu, thế là hạnh phúc hơn bà con nhân dân rồi. Nhiều lần các chị nhường cơm cho người bệnh, nhất là các bệnh nhi. Những đêm trực thức trắng đêm, bụng đói các chị phải uống nước cho... no để chống chọi với cái đói, cái rét, để theo dõi chăm sóc bệnh nhân. Khi bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Các bác sĩ trẻ thường tranh thủ lúc rảnh rỗi tìm tòi, nghiên cứu những sáng kiến cải tiến để áp dụng vào công tác khám và điều trị cho người bệnh. Nhiều đêm bên ánh đèn dầu, các cô gái ngồi ôm nhau hai hàng nước mắt tuôn dài nhưng không ai dám khóc thành tiếng vì sẽ làm nhụt ý chí của các bạn. Buồn vì nhiều lẽ: nhớ mẹ, nhớ nhà, sống nơi rừng núi thiếu thốn, khó khăn. Nhưng nhìn thấy người bệnh đau đớn và tiếng gọi tha thiết “bác sĩ ơi” là các chị lại ào tới như một cơn gió mát, xua tan đau đớn cho người bệnh và rồi nỗi buồn nhớ nhà lại tan biến ngay, nhường chỗ cho công việc cứu người là trên hết.

TS. BS.  Đào Thị Ngọc Lan chia tay bệnh nhi trước khi xuất viện.

TS. BS.  Đào Thị Ngọc Lan chia tay bệnh nhi trước khi xuất viện.

Những thăng trầm năm tháng!

Năm 1981- 2003, 22 năm công tác tại bệnh viện tỉnh Yên Bái, trực tiếp làm công tác khám bệnh, điều trị, phẫu thuật, BS. Đào Thị Ngọc Lan luôn tận tình trách nhiệm với người bệnh, tích cực học hỏi các bạn đồng nghiệp, góp phần cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo, được bệnh nhân và đồng nghiệp tin tưởng, trân trọng. Khi được phân công phụ trách, quản lý khoa phòng cũng như khi làm công tác quản lý (Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh Yên Bái) chị đã sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt chuyên môn, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý bệnh viện, chị còn tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thi và làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Tiến sĩ Y học loại xuất sắc năm 2003, trở thành nữ tiến sĩ ngành y của tỉnh Yên Bái.

Từ năm 2004 đến năm 2012, chị nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Y tế Yên Bái. Chị đã cùng tập thể Ban Giám đốc đoàn kết lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được UBND tỉnh, Bộ Y tế giao. Thực hiện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn toàn tỉnh, tích cực tham mưu cho tỉnh trong công tác y tế, làm tốt công tác y tế dự phòng và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Trung  tâm y tế dự phòng tỉnh là 1 trong 3 Trung tâm y tế dự phòng của cả nước được Bộ Y tế công nhận đạt Chuẩn quốc gia Trung tâm y tế dự phòng tỉnh. Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đưa dịch vụ y tế đến gần dân, chăm sóc sức khỏe người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng ưu tiên khác. Tổ chức bộ máy từng bước được hoàn thiện, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; bảo đảm đáp ứng nhu cầu thuốc; thực hiện tốt công tác xã hội hóa về y tế và công tác dân số KHHGĐ; tổ chức tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2006, ngành y tế Yên Bái vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước và nhiều đơn vị, cá nhân được nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng khác. Chị đã có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao. Thực hiện tốt các chế độ chuyên môn như thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh tại các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực, tăng cường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chế độ vệ sinh, chế độ an toàn sử dụng thuốc. Bước đầu đã tổ chức các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, đã sử dụng có hiệu quả các kỹ thuật Xquang, siêu âm, nội soi trong chẩn đoán và điều trị...

Tháng 2/2012 được nghỉ hưu theo chế độ, chị tiếp tục làm Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh (đến 2015). Trong thời gian đó, chị vẫn tâm huyết cống hiến công sức nhiệt tình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng củng cố phát triển tổ chức Hội và hội viên, tăng cường công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng y học cổ truyền. Đẩy mạnh công tác thừa kế, ứng dụng y học cổ truyền, bảo tồn phát triển bài thuốc hay, cây thuốc quý. Lãnh đạo Hội Đông y tỉnh đạt nhiều thành tích trong nhiều năm, được tặng Bằng khen Chính phủ và nhiều phần thưởng khác.

TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan mừng tuổi bệnh nhân trong dịp đầu xuân năm mới.

TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan mừng tuổi bệnh nhân trong dịp đầu xuân năm mới.

Cũng từ năm 2012, với cương vị là chuyên gia quản lý bệnh viện, chị đã tham gia các dự án của Bộ Y tế, hỗ trợ 34 bệnh viện thuộc dự án Chương trình phát triển nguồn nhân lực Bộ Y tế (HHRSDP); hỗ trợ 27 bệnh viện thuộc dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng (NORRED), xây dựng các quy trình chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đổi mới tài chính y tế, được các nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Ngân hàng châu Á (ADB) đánh giá cao.

Hiện nay với cương vị Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YENBAI CDSH), Ủy viên ban Thường vụ Hội RHM Việt Nam; Ủy viên BCH Hội Kinh tế y tế Việt Nam - Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội khoa học - KT tỉnh Yên Bái. Chị vẫn luôn tâm huyết, say mê với nghề với nghiên cứu khoa học, cống hiến các kiến thức, kỹ năng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham gia giảng dạy, nghiên cứu, khám chữa bệnh, làm chuyên gia các dự án, tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư mang nguồn lực về cho tỉnh. Trong 4 năm qua, YENBAI CDSH đã được tài trợ 6 dự án phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe, thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân huyện Mù Cang Chải với trị giá trên 10 tỷ VNĐ. Chị trực tiếp làm chủ và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu, được nghiệm thu đánh giá đều đạt kết quả tốt, có giá trị ứng dụng trong thực tiễn, tiêu biểu là đề tài “Nghiên cứu tiềm năng cây thuốc Nam bản địa và trồng thử nghiệm một số loài nhằm phát triển nguồn dược liệu góp phần phát triển kinh tế tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” được Hội đồng nghiên cứu đánh giá rất cao và đang được áp dụng tại nhiều địa phương trong tỉnh, được người dân và các cấp chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp hội tỉnh, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho tập thể Trung tâm và các cá nhân.

Đến năm 2014, phòng khám thuộc công ty do chị làm giám đốc được thành lập và công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành y tế Yên Bái. Đây là một cố gắng của công ty nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Chị cùng Ban Giám đốc luôn chủ động xây dựng kế hoạch và  thường xuyên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn khám chữa bệnh có chính sách ưu đãi, miễn phí cho bệnh nhân nghèo, các đối tượng chính sách. Với tinh thần tương thân, tương ái, hưởng ứng kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái và các cấp chính quyền địa phương, chị đã vận động quyên góp, trích quỹ công ty, trực tiếp tổ chức đoàn đi ủng hộ đồng bào xã Sùng Đô và Nậm Mười, Bản Tủ - huyện Văn Chấn bị ảnh hưởng thiên tai bão lũ: đã trao tặng 100 suất quà, 105.500.000 đồng tiền mặt cho 67 hộ gia đình có người chết, hộ có nhà bị cuốn trôi sập hoàn toàn và hộ bị trôi tài sản, nhà hư hỏng nặng. Tổng kinh phí ủng hộ trị giá: 130.500.000 đồng, những việc làm đầy ý nghĩa đã động viên tinh thần bà con trong lúc hoạn nạn.

Những ngày gần đây, trung bình một ngày phòng khám đón tiếp từ 170 - 200 bệnh nhân, là một trong những cơ sở tham gia khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế điển hình thực hiện tốt việc đưa dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế và thực hiện chuẩn hóa danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc vật tư y tế.

Với cương vị là Giám đốc Công ty, TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ chức trách, hoàn thành tốt vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp ổn định

song song với việc chăm lo cuộc sống của cán bộ nhân viên trong công ty, còn có một phần đóng góp cho ngân sách nhà nước và góp sức cùng ngành y tế trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tôn vinh danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu năm 2017 - 2018 cho tập thể công ty. Năm 2019, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tặng bằng khen, các liên hiệp hội, câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện phía Bắc tặng nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân...

TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan và đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho bà con xã Sùng Đô, Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái, nơi bị thiệt hại nặng nề do sạt lở và lũ quét năm 2018.

TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan và đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho bà con xã Sùng Đô, Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái, nơi bị thiệt hại nặng nề do sạt lở và lũ quét năm 2018.

Khát khao một niềm yêu

TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan không chỉ dành hết tuổi thanh xuân và tuổi đời còn lại cho sự nghiệp cứu chữa người bệnh, trong sự vất vả bận rộn như vậy mà chị vẫn dành chút thời gian cho thơ, yêu thơ, sáng tác thơ. Chị là hội viên tích cực thường xuyên của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái với bút danh Hương Hoàng Thảo. Thơ của chị đã đăng trên nhiều tạp chí văn học nghệ thuật Yên Bái và in trên các ấn phẩm địa phương và Trung ương. Thơ của chị giàu chữ tình, chứa đựng nhiều tâm tư tình cảm, khát khao một tình yêu chân chính, hướng tới những ước mơ cao đẹp trong cuộc sống:

Một khoảng trời mơ ước

Cháy trong lòng không nguôi

Lấp lánh vì sao khuya

Ngước nhìn lên đã gặp

Cả một trời yêu thương.

Ngọn lửa mơ ước ấy giúp chị vượt lên những ngắt nghèo của cuộc sống những áp lực của công việc, những nỗi ưu tư trăn trở, nỗi đau, niềm vui và hạnh phúc luôn hiện diện đi vào trang thơ của chị:

Tôi một mình vật lộn với cơn đau

Nắng ngột ngạt - trưa hè trong bệnh viện

Cũng như tôi, bao người đang nhẩm đếm

Từng ngày qua náo động ngoài kia

Chợt rộn lên, đầy những tiếng ve

Cứ ra rả chẳng thể nào dứt.

Yêu công việc, tận tâm với sự nghiệp, trị bệnh, cứu người, yêu thơ và yêu cái đẹp, một trái tim người bác sĩ, biết đau nỗi đau người bệnh, biết thương sự vất vả của đồng nghiệp, chị đã nói lên được tấm lòng con người với cuộc sống, điều đó làm nên sức hấp dẫn trong thơ Đào Thị Ngọc Lan, chị đúng là đóa Hoa hồng lặng lẽ tỏa hương như tên gọi Hương Hoàng Thảo:

Thật tự hào Em là “Thầy thuốc”

Như con ong dâng mật  ngọt cho đời

Như cỏ cây thầm lặng sinh sôi

Cho đất mẹ dâng tràn sự sống

Cũng ánh mắt, trái tim đồng vọng

Cũng sẻ chia nước mắt, nụ cười

Nếu một lần hiểu được, người ơi

Xin hãy gọi em là “Thầy thuốc’!

Với thành tích và công lao cống hiến trong ngành y và các tổ chức khác, TS.BS.Đào Thị Ngọc Lan đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III năm 2011, danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú năm 2008 và rất nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh, các hội như: Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật, Hội Đông y, Hội Liên hiệp văn học nghệ thật tỉnh Yên Bái... cùng nhiều Giấy khen và Huy chương, Kỷ niệm chương: vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, vì sự khoa học kỹ thuật, vì sự tiến bộ của phụ nữ... Hiện nay ngành y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chính phủ trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho chị.

Phút trải lòng, chị tâm sự cả đời dành cho khoa học, cho y học, cho người nghèo, công việc là hàng đầu cũng bởi vì khi mệt mỏi, đau ốm trái nắng trở trời chị luôn có một hậu phương vững chắc che chở yêu thương chị, là bố mẹ và các chị em trong gia đình. Đó là niềm hạnh phúc giản dị của người phụ nữ tài đức vẹn toàn này.


Đặng Phương Lan (Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ - Yên Bái)
Ý kiến của bạn