Bỗng dưng vụt tắt một “Giấc mơ Chapi”

02-10-2010 08:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mỗi khi nhắc đến “Giấc mơ Chapi”, ai cũng biết đấy là tên một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhưng là một trong số những bài hát được thể hiện thành công nhất của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Y Moan.

 Mỗi khi nhắc đến “Giấc mơ Chapi”, ai cũng biết đấy là tên một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhưng là một trong số những bài hát được thể hiện thành công nhất của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Y Moan. Giấc mơ đó, bỗng dưng vụt tắt, sau khi được cháy hết mình trong một đêm liveshow mang tên “Ngọn lửa cao nguyên” giữa lòng thủ đô Hà Nội vào một ngày đầu thu năm nay.

 Người con của đại ngàn Tây Nguyên 

Nếu ai đã từng đem lòng đam mê âm nhạc và đã từng được nghe NSND Y Moan hát sẽ chẳng bao giờ có thể nào quên bóng hình người con Tây Nguyên khi ông thể hiện bài hát “Giấc mơ Chapi” đẹp như sử thi, thẳm sâu như núi non của đại ngàn: “Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ… Ở nơi ấy, họ đã sống cuộc sống yên bình. Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi,…” 

 NSND Y Moan và nhạc sĩ Nguyễn Cường thời trai trẻ.
NSND Y Moan sinh ngày 6-9-1957 tại buôn Dhă, xã Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dăk Lăk, trong một gia đình người dân tộc Êđê nghèo có 7 anh em. Học hết lớp 7, ông theo đoàn văn công và trở thành ca sĩ chính của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Dăk Lăk. Y Moan đã từng nổi tiếng với những bài hát về Tây Nguyên như: “Ơi! M'Đrak”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Xốn xang cao nguyên Dăk Lăk”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Nghiêng nghiêng rừng chiều”, “Ly café Ban Mê”,...

Oái oăm thay, căn bệnh ung thư dạ dày của người nghệ sĩ tài danh này chỉ được phát hiện khi nó đã ở vào giai đoạn cuối. Trước đấy, Y Moan bị huyết áp cao, và hay ho vì hút thuốc nhiều. Sau một thời gian điều trị tại nhà, không khỏi, khi ông đau quá gia đình đưa Y Moan đến bệnh viện làm xét nghiệm nội soi và ông lập tức được chuyển xuống bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Tại đây các chuyên gia đầu ngành đã tiến hành mổ khẩn cấp cho ông. Trong khi mổ, các bác sĩ phát hiện ổ ung thư đã di căn xuống phần bụng, nên đành chuyển về nhà, rồi ông ra đi tại nhà riêng.

Trong suốt 35 năm làm nghiệp “xướng ca”, nghệ sĩ Y Moan đã giành được nhiều thành tích và giải thưởng danh giá. Năm 1997, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đến năm 2000, Bộ Văn hóa- Thông tin trao tặng cho Y Moan Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam.

Đầu mùa thu Canh Dần, được sự động viên và giúp đỡ của gia đình và nhạc sỹ Nguyễn Cường, cùng bạn bè, người thân, các fans hâm mộ giọng ca “bốc lửa” này, đêm liveshow đầu tiên và cũng là cuối cùng của Y Moan được tổ chức tại Hà Nội, để ông một lần được cháy hết mình với Tây Nguyên, với Hà thành nghìn năm văn hiến. Sau đấy ít lâu, ông được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu cao quí Nghệ sĩ nhân dân nhằm ghi nhận những đóng góp của ông cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật suốt hơn 35 năm qua. Đây là niềm mơ ước của bất kỳ người nghệ sĩ chân chính nào. Vậy mà, đúng ngày 1/10/2010, ông đã lặng lẽ vẫy chào Hà Nội và Tây Nguyên ra đi không một lời trăng trối.

 “Giấc mơ Chapi” còn sống mãi trong lòng bè bạn

 Bình sinh, NSND Y Moan đã từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp, người thân rằng: “Tôi yêu tha thiết cuộc đời này. Yêu cao nguyên, yêu thác ghềnh, yêu những cánh rừng cafe, yêu hoa pơlang nở rực… Nếu được đi lại, tôi sẽ vẫn đi con đường ấy. Sẽ vẫn là người con của dân tộc Êđê. Sẽ vẫn hát những ca khúc ngợi ca Tây Nguyên. Sẽ vẫn gặp vợ tôi, Nguyễn Thị Minh Ngẫu ở Hà Nội và đưa cô ấy về cao nguyên quê tôi… Tôi sẽ đi lại con đường ấy, và nhất định phải đi con đường ấy”...

 NSND Y Moan bên người mẹ trong buổi đón nhận danh hiệu NSND.
Và quả thật sau đêm nhạc Ngọn lửa cao Nguyên ở Hà Nội, ông thật sự cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất. Người con trai cả của ông, Y Vol tiết lộ: “Sau đêm nhạc, ba tôi vô cùng hạnh phúc. Trong ánh mắt ông có sự thanh thản. Ông đã được hát với khán giả thủ đô như ông từng mơ ước. Còn bây giờ linh hồn ba tôi đã về với núi cao rừng thiêng, ở đó, ba sẽ được yên nghỉ vĩnh hằng”. 

Người thầy và cũng là bạn vong niên, nhạc sĩ Nguyễn Cường, khi nghe hung tin NSND Y Moan ra đi về cõi vình hằng, ông đã cầu chúc cho linh hồn Y Moan được gắn bó mãi với những cánh rừng, với những thác ghềnh, với những thảo nguyên xanh bao la. Mong cho nơi ấy, ông vẫn được hát mãi, như cách ông đã để lại cho đời những giai âm “không thể nhân bản

Nữ ca sĩ cũng thuộc loại “bốc lửa” Siu Black cho biết: Dù đã biết trước rồi sẽ đến một ngày anh Y Moan ra đi, nhưng khi nghe tin, tim chị vẫn thấy nghẹn đau. Theo chị, Y Moan là người hạnh phúc. Ông đã có một đêm nhạc để đời, tri ân các khán giả ở Hà Nội. Tiếc rằng mong muốn thực hiện một đêm nhạc nữa tương tự ở quê hương mình, ông chưa thực hiện được. Nhưng có thể Y Vol- con trai lớn của Y Moan và các nghệ sĩ sẽ thực hiện lời ước nguyện cuối cùng  đó trong tương lai gần vì tình yêu, vì sự kính trọng dành cho Y Moan- một nghệ sĩ tài năng.

Nhạc sĩ An Hiếu nhớ lại, trong một chuyến đi sáng tác tại Buôn Ma Thuột anh được đến nhà “bố” Moan (cả nhóm Đồng Đội đều gọi NSND Y Moan là bố) chơi và ăn cơm. Đó là một căn nhà nhỏ xinh xinh, lưu giữ rất nhiều đồ vật của người Êđê mà bố Moan sau mỗi lần đi biểu diễn thường cố công mang về: những chiếc trống rất to làm bằng thân cây, những bộ cồng chiêng quý, cầu thang nhà sàn hay là một ngôi nhà rất thân quen với đồng bào Tây Nguyên. An Hiếu đã rất xúc động khi bố Moan nói rằng coi anh như con đẻ và ông đem trao tặng anh một chiếc vòng. Đối với người Tây Nguyên được tặng chiếc vòng này là một điều rất đặc biêt, thậm chí còn phải làm cả lễ trao vòng nữa. Và cũng trong dịp này mọi người còn được nghe ông hát không chỉ là các ca khúc của nhác sĩ Nguyễn Cường, mà còn cả những bài dân ca của các dân tộc Tây Nguyên.

Bà Hồng Dung, người chị nuôi của NSND Y Moan cho biết thêm, khi còn sống Y Moan vẫn hay nói với chị rằng thầy Nguyễn Cường là người giúp đỡ ông trên con đường ca hát. Còn chị là người bảo ban, động viên Y Moan trong cuộc sống đời thường. Vợ chồng ông luôn coi chị như người thân máu mủ vì Y Moan là  người sống rất tình cảm, hết mình vì bạn bè. Ông cũng là người sống có nghị lực, bởi chỉ có nghị lực phi thường thì Y Moan mới có thể nhìn cuộc đời lạc quan trong những lúc biết mình chẳng thể sống được bao lâu như thế. Bà thấy đau xót về sự ra đi của Y Moan. Tìm được một người thay thế ông ấy quả thật không dễ. Và điều đặc biệt này chắc hẳn ít ai biết đến, NSND Y Moan là người nghệ sĩ duy nhất vừa đi hát, vừa đi làm nương rẫy để lấy tiền nuôi hai người con trai là Y Vol và Y Garia từ bé đến giờ đang học Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội)...
 
Thảo Phương

Đúng 15h25 phút ngày 1/10/2010, giọng ca đại ngàn Tây Nguyên NSND Y Moan sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở tuổi 54. Theo thông tin từ gia đình, lễ an táng NSND Y Moan sẽ được tiến hành vào 7h30 sáng ngày 5/10/2010 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dăk Lăk.


Ý kiến của bạn