Do cuối năm, các công ty bị khan hiếm đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm và nhân sự nên nhiều người mất việc, thiếu tiền nhà trọ đành phải về quê ăn Tết sớm. Đây là những công nhân chủ yếu quê các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Bình Dương làm việc tại các khu công nghiệp.
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 28.000 lao động bị thôi việc, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.
Đáng chú ý, đến hết tháng 9/2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có đến khoảng 70.000 lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ công nhân. Các đơn vị thuộc Sở cũng thực hiện nhiều biện pháp để kết nối người lao động với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm thêm đơn hàng cho doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động; Liên đoàn lao động tỉnh cũng triển khai nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Theo đó sẽ rà soát các trường hợp khó khăn để có chính sách hỗ trợ để giảm khó khăn, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM cho biết, năm 2021 có 122.700 người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2022, đã có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, nhu cầu tuyển dụng cuối năm của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM là 43.000 người, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ Tết. Đây là cơ hội lớn cho những lao động các ngành dệt may, da giày, lĩnh vực đồ gỗ hay là điện tử đang chịu ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm nhân sự có thể tìm việc làm mới.