Chứng tê liệt khi ngủ hay còn được gọi là bóng đè, đây là hiện tượng rối loạn giấc ngủ không có tổn thương thực thể (không thực tổn) xuất hiện khi chúng ta ngủ.
1. Nguyên nhân gây bóng đè
Có đến 10-40% dân số trên thế giới từng gặp tình trạng bóng đè. Nhiều người cho rằng đây là vấn đề tâm linh. Tuy nhiên, bóng đè là một trạng thái rối loạn giấc ngủ thường xảy ra khi ngủ khiến cơ thể mất kiểm soát các cơ và dẫn đến cảm giác không thể cử động các bộ phận trên cơ thể như tay, chân nhưng vẫn có nhận thức.
Bóng đè là hiện tượng có liên quan đến giai đoạn chuyển động mắt nhanh REM trong chu kỳ giấc ngủ hay còn được gọi là mất ngủ giả. Lúc này con người có những giấc mơ sống động nhưng lại bị tình trạng mất trương lực cơ khiến cơ thể không cử động, nói.
Nguyên nhân gây ra bóng đè có thể gặp là:
- Tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ.
- Gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như: rối loạn căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ….
- Người sử dụng chất kích thích, lạm dụng chất gây nghiện hoặc uống nhiều rượu bia…
- Người làm việc căng thẳng, stress hoặc đang có các vấn đề trong gây bế tắc trong cuộc sống, căng thẳng.
2. Triệu chứng bóng đè
Theo dân gian, khi bị bóng đè con người cảm nhận rất rõ ràng có một ai đó đang đè chặt vào cơ thể hoặc một bộ phận trên cơ thể và gây ra cảm giác nghẹt thở, không thể cử động hay kêu cứu.
Thông thường giấc ngủ của chúng ta sẽ diễn ra theo từng chu kỳ kéo dài khoảng 90-110 phút và chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn đầu và giai đoạn sau).
Giai đoạn đầu: thường kéo dài 70-90 phút và chia làm 4 trạng thái:
- Trạng thái 1 (kéo dài từ 5-10 phút): lúc này cơ thể lơ mơ và rất dễ tỉnh giấc.
- Trạng thái 2 (kéo dài khoảng 10 phút): cơ thể “ngủ nhẹ”.
- Trạng thái 3: nhịp thở và nhịp tim xuống thấp để chuẩn bị vào trạng thái ngủ sâu.
- Trạng thái 4: cơ thể ngủ sâu, thở đều và tư thế nằm thường ít thay đổi.
Sau khi trải qua 4 trạng thái ở giai đoạn đầu, con người sẽ trải qua giai đoạn sau của giấc ngủ. Lúc này chúng ta có thể tỉnh lại nhưng vẫn trong trạng thái lơ mơ và lặp lại chu kỳ giấc ngủ như trước đó. Đây là khoảng thời gian dễ xảy ra hiện tượng bóng đè hoặc gặp những giấc mơ sống động.
Tình trạng bóng đè thường kết thúc khi con người tỉnh dậy. Thời gian bóng đè ở mỗi người là khác nhau, thường bóng đè kéo dài trong vài phút, có người lại chỉ diễn ra trong vài giây nhưng có những trường hợp lên tới cả chục phút.
Một số biểu hiện thường gặp khi bị bóng đè là:
- Mất trương lực cơ khiến cơ thể không thể nói, cử động
- Người bị bóng đè có thể cảm thấy khó khăn khi thở, tức ngực, nghẹn họng, hoảng loạn hoặc bất lực. Trong đó, cảm giác sợ hãi thường phổ biến nhất.
- Có ảo giác khi ngủ: trong phòng xuất hiện âm thanh/người, người ngồi lên ngực, có cảm giác như đang dịch chuyển khỏi cơ thể… những ảo giác này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc xuất hiện riêng biệt.
Thông thường, sau khi trạng thái bóng đè qua đi người bị bóng đè sẽ có cảm giác sợ hãi khi thức dậy, mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào hôm sau.
3. Bóng đè có lây không?
Bóng đè là một hiện tượng liên quan đến thần kinh và giấc ngủ, đây không phải bệnh lây nhiễm.
4. Phòng ngừa bóng đè
Để phòng ngừa bóng đè, mọi người nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Ngủ đủ giấc, tạo thói quen ngủ đúng giờ, không nên thức quá khuya hoặc ngủ quá nhiều vào ban ngày.
- Vệ sinh không gian phòng ngủ thông thoáng, Nên hạn chế âm thanh, ánh sáng trong phòng ngủ. Lựa chọn chăn, gối và trang phục phù hợp, thoải mái cho giấc ngủ.
- Không sử dụng các chất kích thích trước khi ngủ hoặc đồ uống có chứa cafein trước khi ngủ từ 3-5 tiếng để hạn chế não bị kích thích.
- Không ăn quá no trước khi ngủ.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, lựa chọn các môn phù hợp với thể trạng.
- Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh xa căng thẳng, stress trong cuộc sống.
5. Cách điều trị bóng đè
Rất nhiều người đã từng ít nhất 1 lần bị bóng đè trong đời. Nếu tình trạng bóng đè hiếm khi xuất hiện thì người bệnh không cần phải điều trị. Bóng đè chỉ cần điều trị khi người bệnh xuất hiện 2-3 lần bóng đè trong một đêm và xuất hiện thường xuyên gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, khiến cơ thể suy nhược.
Nếu bạn gặp tình trạng bóng đè thường xuyên và thử cách cải thiện giấc ngủ nhưng không hiệu quả, hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Một số trường hợp có thể phải thực hiện các kiểm tra về giấc ngủ. Tùy vào nguyên nhân và tình trạng của từng người bệnh các bác sĩ sẽ có những phương pháp để cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp người bệnh ngủ ngon hơn, tránh mơ thấy ác mộng hoặc cảm giác bị bóng đè.
Với một số trường hợp liên quan đến rối loạn thần kinh hoặc rối loạn giấc ngủ sẽ được điều trị nội khoa kết hợp với thay đổi thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần thay đổi những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày để cải thiện giấc ngủ như:
- Tạo thói quen tốt cho giấc ngủ, ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Vệ sinh phòng ngủ thoáng mát sạch sẽ, nên hạn chế tiếng ồn, lựa chọn ánh sáng dịu nhẹ.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích nhất là vào buổi tối, trước giờ đi ngủ.