Hà Quang Anh (Hà Nội)
Bóng đè khi ngủ liên quan đến sự gián đoạn hoặc phân mảnh giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (giấc ngủ REM). Bóng đè thường xuất hiện khi bạn sắp thức giấc hoặc xuất hiện ngay khi bạn vừa mới ngủ. Các yếu tố có liên quan đến hiện tượng bóng đè bao gồm: Chứng ngủ rũ; Nằm sấp khi ngủ; Tiền sử gia đình bị bóng đè khi ngủ; Lứa tuổi thanh thiếu niên; Người bị thiếu ngủ; Người ngủ không theo một thời gian biểu hợp lý, ngủ không theo một giờ giấc nhất định, những người làm việc theo ca thường dễ bị bóng đè. Bóng đè khi ngủ có thể là triệu chứng của các bệnh như trầm cảm, đau nửa đầu, ngưng thở khi ngủ, tăng huyết áp và rối loạn lo âu. Để cải thiện tình hình và phòng tránh hiện tượng bóng đè, bạn nên thực hiện các biện pháp như sau: Hàng ngày ngủ đủ giấc từ 7 - 8 giờ; Thực hiện thời gian biểu sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, nên đi ngủ vào một giờ nhất định vào buổi tối và thức dậy đúng giờ vào buổi sáng; Cải thiện môi trường ngủ: tạo không gian ngủ yên tĩnh và thoải mái; Mặc đồ ngủ thoải mái; Nếu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thì chỉnh nhiệt độ phòng khi ngủ khoảng 26-28 độ C; Giường ngủ cần sạch sẽ, thoải mái; Tập thể dục thường xuyên để giúp ăn ngon, ngủ yên nhưng lưu ý là không tập trước khi đi ngủ; Giảm uống trà, cà phê trước khi ngủ tối từ 3-5 giờ; Không nên ăn quá no hay uống rượu bia trước khi ngủ; Bỏ thuốc lá, thuốc lào; Nên ngủ trưa từ 15 - 30 phút mỗi ngày giúp ổn định thần kinh và tốt cho sức khỏe; Không ngủ sấp.