Cuối năm nay, SEA Games sẽ trở lại và niềm hy vọng của Việt Nam cho đấu trường khu vực được nhen nhóm khi mục tiêu cao nhất vẫn là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, mọi việc chưa suôn sẻ và xứng đáng với kỳ vọng của người hâm mộ khi bóng đá nước nhà vẫn còn loay hoay để đi tìm một lối thoát khả dĩ.
1. Giải VĐQG vẫn rất lộn xộn và chưa có lối thoát. Quả thật, chưa có nền bóng đá nào như nước ta khi mọi thứ dù đã lên chuyên hơn 10 năm nhưng vẫn như mới ngày hôm qua. Các CLB thích thì tham gia, không thích thì dọa bỏ giải. Nếu thua thì bắn tin đồn sẽ rời bỏ cuộc chơi và chấp nhận bị rớt hạng. BTC đã giới hạn số cầu thủ ngoại ra sân để tạo điều kiện cho cầu thủ nội và cầu thủ trẻ nhưng có trận đấu, một đội bóng có thể cho ra sân 7 “ông tây”, 4 cầu thủ còn lại là đương kim tuyển thủ hoặc có số má trong đội. Thử hỏi cơ hội nào sẽ giành cho các cầu thủ còn lại? Đành rằng, khi bỏ tiền làm bóng đá là lúc các ông chủ phải tranh thủ quảng cáo, PR cho thương hiệu nhưng VFF không tuýt còi những việc làm có thể ảnh hưởng đến nền bóng đá nước nhà thì những bất cập sẽ khó mà triệt tiêu cho dù giải VĐQG đi đến bao nhiêu năm chăng nữa.
![]() ĐTVN hy vọng tấm HCV tại SEA Games. Ảnh: Thành Trung |
2. VFF không có định hướng rõ ràng.Dẫu biết chỉ cần một lần có HCV Sea Games thì người hâm mộ sẽ rất vui và có thể tha thứ cho những sai sót của VFF nhưng một lần đó sao mà khó quá. Chung quy cũng chỉ là VFF không có định hướng, không dám thay đổi và không dám thực hiện. Căn bệnh thành tích ăn quá sâu vào trong mỗi con người nên dù giải đấu Asian Cup là vô thưởng vô phạt khi Việt Nam không có khả năng đi tiếp nhưng VFF vẫn hướng đến đội hình là các tuyển thủ đã quen ăn cơm tuyển để ra sân thi đấu mà không hề tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ trau dồi và rút kinh nghiệm để sẵn sàng cho sân chơi của chính họ vào cuối năm trên đất Myanmar. Kết quả thì ai cũng thấy, Việt Nam thất bại trước UAE và cay đắng trước HongKong dù họ kém hơn Việt Nam rất nhiều. Trên băng ghế dự bị, các cầu trẻ đang mài mòn thể lực và trí lực vì cơ hội không có.
3. Đào tạo trẻ còn kém. Nếu để ý thì có thể thấy các tuyển trẻ Việt Nam luôn chơi rất hay trước các đối thủ trong khu vực hay châu lục nhưng càng lớn, họ càng dần quen với thất bại và lâu dần đã trở thành căn bệnh nan y. Chúng ta có rất nhiều lò đào tạo trẻ như Nam Định, SLNA, Đà Nẵng... nhưng cơ hội của các cầu thủ này là không nhiều vì CLB chưa dám tung họ ra sân để thi đấu và va chạm. Những năm gần đây, SLNA và SHB ĐN đã mạnh dạn đôn nhiều tuyến trẻ lên đội 1 nhưng việc làm của những CLB này vẫn còn rất bé so với mặt bằng chung của V-League. Có lẽ nên chờ thêm vài năm khi lứa cầu thủ tiềm năng của HAGL Arsenal JMG, PVF, Thể Công, Cảng SG, Nam Định, SLNA, Đà Nẵng thì mới nhắc đến chuyện giành HCV khu vực.
4. Bất cập trong tuyển chọn HLV trưởng. Chúng ta vẫn đang loay hoay giữa HLV nội và HLV ngoại cho chiếc ghế thuyền trưởng. Nhiều ý kiến cho rằng HLV ngoại sẽ tốt vì họ sẽ mang tư duy tích cực vào đội tuyển, điều đó đúng nhưng chúng ta chưa có một hội đồng tuyển chọn có chuyên môn cao để đánh giá năng lực của các ứng viên. Vậy nên chúng ta liên tục gặp thất bại cho chiếc ghế cao nhất trong đội tuyển và niềm tin đặt vào họ là chưa cao. Chưa kể khi đội tuyển thất bại thì mọi trách nhiệm họ đều gánh hết và chuyện bắt buộc bị sa thải là bất khả kháng - Quá bất cập! Còn HLV nội, tại sao không dám đặt trọn niềm tin vào họ? Chúng ta đang có Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Thụy Hải... là những người có thể đảm đương cương vị khó khăn nhất. Tuy nhiên, họ không phải là sự lựa chọn “khả dĩ” của VFF.
Lại một Sea Games nữa chúng ta loay hoay đi tìm con đường dẫn đến chiếc HCV bóng đá. Trước khi nói suông và hàng chục trang giấy được in ra để lên kế hoạch cho Việt Nam trở thành cường quốc bóng đá của châu Á thì hãy thực hiện nhiệm vụ trước mắt là đứng đầu khu vực một cách mạnh mẽ và uy nghi chứ không phải là số 1 trên bảng xếp hạng của FIFA.
Sobin