Bóng đá Việt Nam trở về giá trị thực

20-01-2013 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mới chỉ hơn 1 năm trước đây, sự đình đám của bầu Kiên tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 đã làm rất nhiều người hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có được sự khởi sắc, sẽ bước sang một trang mới.

Mới chỉ hơn 1 năm trước đây, sự đình đám của bầu Kiên tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 đã làm rất nhiều người hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có được sự khởi sắc, sẽ bước sang một trang mới. Thế mà mùa giải 2012 kết thúc, hàng loạt những sự kiện nổi bật đáng buồn của bóng đá Việt Nam đã dồn dập xảy ra. Bầu Kiên vào khám với những sai phạm về vấn đề tài chính, các CLB như CLB BĐ Hà Nội, Navibank SG buộc phải giải thể, hàng loạt các ông bầu đều thoái hết vốn tại CLB của mình mà chỉ đứng sau mang tính tài trợ. Sự thất bại bạc nhược của Đội tuyển bóng đá Việt Nam tại giải đấu AFF Suzuki Cup 2012 cũng có một phần lớn nguyên nhân cho sự lo lắng về tương lai bất định tại các CLB của nhiều tuyển thủ làm ảnh hưởng đến kết quả của ĐT Việt Nam thời gian qua. Thậm chí mùa giải 2013 sắp tới cũng không hề có được sự hứa hẹn khi từ 28 CLB V-League và hạng Nhất ở mùa giải 2012 thì nay việc đăng ký cho mùa giải mới đã rút xuống còn 20 (12 đội dự V-League và 8 đội hạng Nhất). Có thể nói con số này cũng chưa có gì có thể nói là chắc chắn khi đến đầu tháng 3 giải mới chính thức khởi tranh. Ai dám khẳng định sẽ không có đội nào bỏ cuộc chơi như một số đội đã đành bỏ sân chơi bóng đá thời gian qua.
Bóng đá Việt Nam trở về giá trị thực 1
 Sông Lam Nghệ An có hệ thống đào tạo khiến nhiều câu lạc bộ phải học hỏi.Ảnh: Xuân Gụ

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tương lai của bóng đá Việt Nam có quá nhiều màu tối, sự khó khăn chung của nền kinh tế trên toàn cầu nói chung và đối với Việt Nam nói riêng cũng ảnh hưởng nhiều đến sân chơi bóng đá Việt Nam nhưng đây chính là thước đo, cơ hội để sàng lọc, để cắt bỏ những yếu tố phát triển không lành mạnh để bóng đá Việt Nam sẽ có cơ hội sống khỏe trong tương lai. Việc CLB bóng đá Hà Nội, Navibank SG biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam xét trên khía cạnh nào đó cũng có thể nói là điều tốt bởi sự tồn tại của các đội bóng này trong thời gian qua không mang giá trị lâu dài bởi chính các đội bóng này đã thực hiện việc hình thành đội bóng bằng cách mua bán chuyển giao phiên hiệu, cầu thủ được mùa về từ khắp các địa phương, không có được hệ thống đào tạo trẻ kế cận cho chiến lược phát triển lâu dài của đội bóng. Tất cả chỉ để phục vụ mục tiêu ngắn hạn trước mắt của ông chủ bỏ tiền ra mua và nuôi đội bóng.

Bóng đá Việt Nam trở về giá trị thực 2
 CLB bóng đá Hà Nội đã buộc phải giải thể.Ảnh: Xuân Gụ

Chính sự khó khăn của bóng đá Việt Nam đã phần nào tôn lên những đội bóng đá truyền thống nghèo vượt khó như SLNA, Đồng Tháp hay Nam Định. Không phải đội bóng nào cũng có có khả năng hợp tác với một CLB nổi tiếng của xứ sở sương mù để thành lập được học viện bóng đá như HA.GL với Học viện HA.GL JMC nhưng cách đào tạo của các đội bóng như SLNA, Đồng Tháp, Nam Định cũng rất đáng để các đội bóng khác tại Việt Nam học hỏi, mặc dù năm nào các đội bóng này đều gặp phải khá nhiều khó khăn về vấn nạn chảy máu cầu thủ nhưng họ vẫn đứng vững với hệ thống đào tạo của chính mình.

Giờ đây, nếu các CLB bóng đá của chúng ta chấp nhận làm bóng đá một cách bài bản, có hệ thống thì chúng ta cũng không lo lắng quá nhiều không có tài năng cho đội tuyển Việt Nam, bài học về việc ra đi chóng vánh của những CLB như Navibank SG hay CLB BĐ Hà Nội sẽ làm những người làm bóng đá đích thực có suy ngẫm để thấy được việc phải từ bỏ tư duy bóng đá ngắn ngày, chạy theo lợi ích chóng vánh trước mắt đã xuất hiện thời gian qua. Hy vọng rằng giờ đây mới chính là thời của những giá trị mang tính bền vững đích thực của bóng đá Việt Nam.

Trần Hưng


Ý kiến của bạn