Đội tuyển Việt Nam đang tiếp bước hành trình Asian Cup 2019 tại tứ kết - điều mà Thái Lan không làm được! Đội U23 Việt Nam giành hạng Tư ASIAD 2018 - điều mà Malaysia cùng Thái Lan không làm được! Đội U23 Việt Nam vào chung kết giải U23 châu Á 2018 - điều mà Thái Lan và Malaysia cũng không làm được! Cho dù thầy trò HLV Park Hang-seo có thể đi xa hơn vòng tứ kết Asian Cup hay không thì sẽ không quá nếu nói rằng, 1 năm qua, bóng đá Việt Nam đang giữ cho mình vai trò “anh cả” của khu vực Đông Nam Á khi bước ra sân chơi châu lục. Nếu còn chưa đủ, chức vô địch AFF Suzuki Cup mới đây là minh chứng cho thành công hiện tại của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã và đang được phép tận hưởng những thành công vang dội mang tính lịch sử sau khi dành quá nhiều thời gian để đi tìm một danh hiệu, một sự khẳng định ở bóng đá khu vực. Tự hào, hãnh diện nhưng không được ngủ quên! Những người làm bóng đá, hàng chục triệu người hâm mộ đã dành nhiều thời gian, mất nhiều tâm sức chỉ để giải một bài toán: Làm thế nào vượt qua bóng đá Thái Lan? Cứ trăn trở vậy thôi nhưng không hành động, nhưng không thay đổi tư duy ăn xổi thì mãi vẫn chỉ lẹt đẹt trong “ao làng” Đông Nam Á mà nhìn Thái Lan bay xa, vẫy vùng ở sân chơi châu lục và mục tiêu hướng ra thế giới...
Bóng đá Việt Nam kỳ vọng lớn vào lứa U23. Ảnh: Nhật Đoàn
Cho đến khi những nhân vật thực sự tâm huyết xuất hiện với cái tâm trong hành động kèm theo một biến cố buồn mà không muốn nhắc lại ở đây, tư duy làm bóng đá Việt Nam mới thay đổi. Như người ta vẫn nói, phá luôn dễ hơn xây, do đó, để một nền bóng đá đi đến thành công đã khó, duy trì sự ổn định càng khó hơn. Thành công trong bóng đá không phải là giá trị bất biến! Nhìn ra thế giới, ai cũng biết tầm vóc của những nền bóng đá như Brazil, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, tuy nhiên, duy trì được thành công ở cấp độ cao là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố với cách làm khoa học cùng tư duy, tầm nhìn xa. Hẳn nhiên không thể đặt bóng đá Việt Nam ngang hàng với những nền bóng đá đó, nhưng ít nhất thì coi cách họ xây dựng làm kim chỉ nam cho hành động. Hãy coi những thành công vừa qua của bóng đá Việt Nam làm nền tảng ban đầu cho sự vươn mình ra biển lớn.
Trong vòng 1 năm, những chiến binh sao vàng gây ấn tượng mạnh mẽ trên đấu trường châu lục. Bóng đá Việt Nam bước ra sân chơi lớn với tâm thế khác xưa rất nhiều. Sự chững chạc đến kinh ngạc của thế hệ cầu thủ mà tuổi đời còn rất trẻ. Một nét văn hóa đoàn kết, lòng tự tôn được toàn bộ các thành viên vun đắp, duy trì và phát triển trong từng hành động nhỏ nhất...
Và tất nhiên, như một người bệnh gặp đúng thầy, sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo thổi vào các đội tuyển Việt Nam những hơi thở mới về sự chuyên nghiệp, tâm huyết và đôi khi cả sự... tưng tửng trong cách nghĩ, cách chỉ đạo rất thật (như khi nói về các CĐV Malaysia ở trận chung kết lượt đi AFF Cup). Cũng trong năm qua, Thái Lan không vượt qua được vòng bảng U23 châu Á, cũng dừng chân sau vòng bảng tại ASIAD và mới đây nhất là kết thúc Asian Cup ở vòng 1/8. Trong khi đó, Malaysia đi được đến tứ kết giải U23 tại Trung Quốc, đến vòng 1/8 ASIAD - vòng đấu có cả Indonesia lọt vào với vai trò là đội chủ nhà. Asian Cup năm nay, ngoài Việt Nam và Thái Lan còn có Philippines, nhưng đội bóng của HLV Sven Goran Eriksson chia tay sau vòng bảng với 3 trận toàn thua. Thái Lan có thể không phải chờ đến thót tim như Việt Nam, nhưng cảm giác như ở giải đấu này, người Thái có phần nóng vội - rất khác so với chính họ những năm trước và với các đội tuyển Việt Nam thời gian qua. Nhưng câu hỏi “Việt Nam đã vượt Thái Lan hay chưa” thì vẫn còn đó, bởi thực tế là ở các giải đấu vừa qua, chúng ta chưa đụng độ trực tiếp với đối thủ. Cũng khó có thể nói người Thái đã hết thời. Chỉ là giai đoạn khó khăn có thể xảy ra với bất kỳ nền bóng đá nào. Lúc này, khi thời cơ đến, khi cờ đang nằm trong tay, bóng đá Việt Nam nhận lấy vai trò “anh cả” của khu vực. Có điều, người anh cả cần làm gì, cần nhìn về đâu để những thành công hiện tại được tiếp nối thay vì ngắt quãng sau một lứa cầu thủ.
Có thể dàn cầu thủ hiện nay còn trẻ, còn cống hiến và mang về thành công trong một vài năm nữa, nhưng bên cạnh việc duy trì những gì đã và đang có, yêu cầu “gối vụ” luôn cần thiết trong bất kỳ giai đoạn nào để luôn đảm bảo có chất lượng trong cả đội hình chứ không chỉ một vài vị trí.