Tê tê, lâng lâng
Bóng cười được chế tạo vô cùng đơn giản vì đây thực chất là quả bóng bay được bơm khí N2O. Chỉ cần bơm khí cười N2O vào bóng bay, sau đó người sử dụng dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng rồi hít vào và thổi ra khoảng 4 - 5 lần. Khí cười N2O theo khí quản vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Các phản ứng của bộ não sẽ khiến cho người hít khí bật cười thích thú.
Trong tiếng nhạc mở hết âm lượng tại nhiều quán bar, càng về khuya, càng sôi động với những hình ảnh các thanh niên lắc lư với shisha, bóng cười, rượu, bia và thuốc lá... Các nhóm thay nhau hít hàng chục trái bóng có màu trắng, với nhiều mục đích khác nhau như: giảm căng thẳng, muốn tìm cảm giác lạ, làm cho cuộc chơi thêm phần vui vẻ và phấn khích hơn. Sau khi hít sạch N2O trong một, hai, thậm chí năm quả bóng cười, không ít người sẽ có cảm giác tê tê, lâng lâng, mơ màng cười nói, sau đó phấn khích và cười nói mất kiểm soát.
H.A chia sẻ: “Hít xong bóng cười, tụi em uống rượu bốc hơn, nhảy nhót cũng hăng hơn, có khi hút thêm shisha. Cái này không phải chất cấm nên tụi em cũng không ngại, mình cứ chơi thoải mái.Thích lắm!”
Khí gây mê N2O vẫn được sử dụng để giảm đau trong nha khoa và sinh con nhưng bên ngoài lĩnh vực hợp pháp đó, đã có một mảng màu xám cũng “hợp pháp” trong nhiều năm. Các thanh thiếu niên vẫn dễ dàng tìm mua những quả bóng cười bởi hít khí cười qua sử dụng bóng cười giống như ma túy nhẹ, tạo sự phấn khích và ảo giác.Người bán công khai, người mua không e dè và người sử dụng thoải mái hít hết quả này đến quả khác. Hiện nay, N2O được mua bán tự do và số người chơi bóng cười gia tăng, nhiều người còn tự mua cả bình khí N2O về chơi chung một nhóm nên xảy ra tình trạng ngộ độc.
Tử vong vì bóng cười
Khi hít khí cười qua bóng cười, rất khó kiểm soát được lượng khí bởi bản thân người sử dụng lúc ấy không thể đong đếm được lượng khí hít vào.Lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.Các chuyên gia đã khuyến cáo hít nhiều khí này chắc chắn bị ngộ độc, bị rối loạn trong cơ thể, thậm chí cả ung thư.
Khí cười tinh khiết
Mới đây, Trung tâm Chống độc, BV.Bạch Mai (Hà Nội) đã điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc N2O trong bóng cười. Nhiều bệnh nhân nhập viện do ngộ độc bóng cười sau một thời gian dài lạm dụng với các hậu quả như tổn thương tủy sống (chậm hoặc không hồi phục), liệt chân, yếu chân... Các bệnh nhân cho biết, ban đầu họ chơi bóng cười cho vui, một thời gian sau đều phải tăng liều mới đảm bảo độ phê và thỏa mãn giống như nhu cầu tăng liều của người bị nghiện ma túy.
Trước đó, trung tâm này cũng đã tiếp nhận một thanh niên 21 tuổi ngộ độc do hít bóng cười sau khoảng 6 tháng hít bóng cười liên tục. Bệnh nhân có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì 2 bàn tay, đôi lúc có cảm giác tê bì lan đến ngực nên đi khám bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc khí do hít bóng cười.
Khí gây cười hiện là “độc chất” được sử dụng nhiều thứ tư ở Anh, theo một Khảo sát Thuốc Toàn cầu (Global Drug Survey), đặc biệt phổ biến với những người trẻ tuổi, với 7,6% từ 16 - 24 tuổi đã bắt đầu sử dụng bóng cười. Đây là một tỷ lệ cao, so với cocaine (4,2%) và thuốc lắc (3,9%).
Tại Anh, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ghi nhận 17 trường hợp tử vong liên quan đến việc sử dụng khí gây cười. Mỹ cũng ghi nhận khoảng 15 trường hợp tử vong mỗi năm.
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM, khuyến cáo, lạm dụng “bóng cười” nói riêng và các chất kích thích khác nói chung là vấn nạn cần báo động.
“Chúng ta nên sớm có luật để cấm sử dụng chất này.Dùng nhiều, trong thời gian dài, bóng cười sẽ dẫn đến các tác động tiêu cực. Chưa kể đến ngộ độc, rối loạn hành vi, bóng cười khiến người dùng giảm trí nhớ và giảm khả năng chú ý, đặc biệt tác hại với người trẻ vì ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc. Cơ thể có những thay đổi bất thường về cảm xúc, những biểu hiện lạ trong hành vi, hậu quả về lâu dài sẽ là suy giảm nhận thức,” ThS.BS. Ngọc Quang nhấn mạnh.
Nguy hại hơn nữa, theo các chuyên gia, thông thường người sử dụng bóng cười gây ảo giác lâu ngày sẽ dễ dàng kết hợp thêm sử dụng các chất kích thích và gây nghiện khác như bồ đà, thuốc “lắc”, thậm chí sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy đá. Bởi vì khi đã nghiện cảm giác “phê”, người ta rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn.
-Bộ Y tế nêu rõ, khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương quy định tại số thứ tự 120 Phụ lục số 02 Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9-10-2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Như vậy, khí N2O chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.
-Trước những tác hại do việc người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của UBND Thành phố Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh, và đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí này đối với sức khỏe con người.