Bóng chuyền được coi là môn số 2 của TTVN, thậm chí còn vượt trước môn thể thao Vua khi đăng cai một số giải tầm châu lục và thế giới, với sự đảm bảo tối đa về mặt truyền hình. Thế nhưng chuyện bản quyền truyền hình tưởng như rất thuận lợi của môn này lại đang ngày càng méo mó.
Cú đột phá, cột mốc nửa tỷ đồng
Năm 2004 có một giải nữ quốc tế do VTV tổ chức đã thực sự mang tới một bước ngoặt lịch sử cho chính môn bóng chuyền và cả mảng truyền hình thể thao. Các trận đấu chất lượng cao về nhiều mặt, được phát vào “giờ vàng” trên các kênh quảng bá, gắn với những chiến thắng ngoạn mục của đội chủ nhà với một lứa cầu thủ trẻ tài năng, xinh tươi, đã tạo ra một cơn sốt hầm hập. Nhà thi đấu Trần Quốc Toản (Nam Định) luôn rơi vào tình trạng quá tải, giá vé “chợ đen” thậm chí đẩy lên tới cả chục lần. Lần đầu tiên đông đảo người hâm mộ cả nước náo nức chờ đón màn trình diễn qua truyền hình của các “chân dài” bóng chuyền Phạm Yến, Kim Huệ, Ngọc Hoa hệt như một trận thư hùng quan trọng của ĐTQG bóng đá nam, phần nào đó còn hơn.
Bóng chuyền được coi là môn thứ 2 của thể thao Việt Nam.
Rất nhiều địa phương hay doanh nghiệp sau đó đều tha thiết mời gọi ĐTQG bóng chuyền nữ tham dự các sự kiện. Thậm chí, việc được tài trợ hay hỗ trợ cho đội được coi như một... thành quả đáng giá.
Chỉ nhờ một cuộc “hội tụ đỉnh cao” này, bóng chuyền Việt Nam, cụ thể là nội dung của nữ, đã trở thành môn số 2 của TTVN trong khi chính truyền hình đã có một sản phẩm riêng không hề mấy kém cạnh so với bóng đá.
Đến năm 2009, lần đầu tiên bóng chuyền Việt Nam bán được bản quyền truyền hình. Theo thỏa thuận, bắt đầu từ mùa bóng 2009, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC là đơn vị đầu tiên được quyền lựa chọn các trận đấu tại Giải các đội mạnh quốc gia, Giải A1 quốc gia, Giải trẻ quốc gia... để truyền hình trực tiếp với mức phí lên tới gần 500 triệu đồng. Ở những trận đấu mà VTC không truyền hình trực tiếp, các đài truyền hình khác vẫn có quyền khai thác nhưng phải được sự đồng ý của VTC và phải trả tiền bản quyền cho Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Cũng ở mùa giải 2009, lần đầu tiên khán giả cả nước đã được thưởng thức đầy đủ các trận đấu của giải VĐQG cùng các cuộc đấu quan trọng nhất của giải hạng dưới, và rất nhiều các chương trình đồng hành khác. Khi đó, khán giả thậm chí được thưởng thức các trận đấu bóng chuyền không hề thua kém V.League của bóng đá nam.
Sự méo mó
Với một xuất phát điểm thuận lợi như thế, truyền hình - bóng chuyền tưởng như sẽ liên tục phát triển, có thương quyền cũng như khả năng phục vụ khán giả ngày một tốt hơn. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác khi mảng trọng yếu của bóng chuyền chuyên nghiệp này lại trở nên méo mó một cách bất thường. Các cuộc đấu của môn này, rõ nhất với giải VĐQG, lại quay về đúng mô hình của thời kỳ cũ. Các nhà đài chỉ phát sóng trực tiếp các trận đấu đúng nghĩa tùy theo nhu cầu và điều kiện, còn Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chỉ mong các giải đấu xuất hiện trên truyền hình càng nhiều càng tốt, chứ không còn đòi hỏi bản quyền.
Phần nào đó, chiều hướng còn đảo ngược khi bóng chuyền cần đến các nhà đài để có cơ hội được quảng bá, chứ không phải truyền hình coi môn thể thao số 2 như một sản phẩm đặc sắc và độc đáo trên các kênh sóng. Các giải đấu bóng chuyền vẫn có trên truyền hình, chỉ có điều không phải với tư cách của một thương hiệu xứng đáng mà phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà đài.
Và bản quyền truyền hình bóng chuyền tại Việt Nam đang rơi vào sự méo mó, nửa vời, khác xa với thực tế có thể. Nguyên nhân ở đây, có phần nằm ở các nhà đài, song suy cho cùng vẫn bởi chính cách nghĩ cách làm của Bộ môn Bóng chuyền (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, gắn chặt với sự “ăn sẵn” và “được chăng hay chớ”.