Hà Nội

Bong bóng bất động sản cận kề ngưỡng vỡ

01-06-2018 10:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau thời gian giá đất nền tăng vọt tại nhiều địa phương trên cả nước, có không ít ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực này lo ngại về dấu hiệu của bong bóng bất động sản đang ngày càng rõ nét. Đó không chỉ là nỗi lo mất cân bằng cung cầu mà còn là nguồn vốn chảy vào thị trường này.

Từ giữa năm 2017, đất nền đã tăng giá mạnh tại nhiều khu vực trên toàn quốc  như tại các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) hay vùng ven đô Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...Sau đó, đầu năm 2018, “cơn sốt” đát nền như càng lan mạnh hơn, đẩy giá đất nền lên thêm mức mới. Tại Hà Nội, hàng loạt dự án đất nền tại Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ... vừa mở bán, mức giá chênh được đẩy lên vài trăm triệu đến 2,5 tỷ đồng. Tại TP.HCM, giá đất nền tiếp tục tăng mạnh 60-70% ở một số khu vực như quận 9 hay Thủ Đức, huyện Bình Chánh. Không chỉ ở vùng ven các đô thị lớn, đất ở 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo… tăng giá hàng ngày.

Nỗi lo về bong bóng bất động sản như cách đây 10 năm trước đang ngày càng rõ rệt, nhất là khi tại một diễn đàn mới đây, ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đã có 8/10 dấu hiệu của bong bóng bất động sản.

Giá bán tăng quá nhanh dẫn đến câu hỏi về giá trị thực mà đất đai mang lại. Có một sự thực trớ trêu là không ít nhà đầu tư chạy theo cơn sốt đất, bỏ cả chục tỷ đồng mua mảnh đất, ngồi đợi giá lên. Đến khi cần tiền, đem mảnh đất ra cho thuê lấy vài triệu/tháng thì không có người thuê.  Từ những yếu tố này, có thể nhận thấy giá đất đang rất ảo.

Quan ngại về việc nhà đầu tư nhao theo lao, lãnh đạo nhiều địa phương đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm làm dịu cơn sốt. Ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản về việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Đây là một trong những điểm nóng tăng giá đất đến vài chục lần thời gian gần đây. Việc tạm ngừng này có hiệu lực cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, chính quyền các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang cũng có văn bản tương tự để kìm cơn sốt ảo tại các đặc khu Phú Quốc, Vân Đồn. Tỉnh Quảng Ninh xem ra đã có những giải pháp rất quyết liệt như: sẽ yêu cầu huyện Vân Đồn thực hiện các yêu cầu như sau: Tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tạm dừng giao dịch chuyển nhượng sử dụng đất trên địa bàn. Xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến lấn chiếm, chuyển nhượng sử dụng đất trái phép. Đặc biệt, nghiêm cấm hành vi chuyển nhượng đất cho những đối tượng không có hộ khẩu tại huyện Vân Đồn trong thời gian chờ Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đối với các cán bộ công chức, viên chức, không được tham gia bất cứ hoạt động mua, bán trao đổi đất đai nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật.

Một nỗi lo nữa là trong lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn chủ yếu dựa vào ngân hàng. Nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy mức tăng giá của bất động sản thời gian qua bên cạnh yếu tố thu nhập tăng lên. Thanh khoản của các ngân hàng dồi dào hơn, lãi suất ổn định, kiều hối hay dòng tiền đầu tư tiếp tục chảy vào nhiều hơn đã thúc đẩy sự tăng giá đất ở nhiều địa phương. Nhưng đây cũng là lúc mà nỗi lo về vốn bắt đầu xuất hiện, khi ngân hàng ngày càng siết chặt nguồn vốn đổ vào bất động sản. Vốn dĩ lĩnh vực này với cơ cấu sử dụng vốn có 70% được tài trợ từ các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn của các ngân hàng đổ về bất động sản sẽ càng khó khăn hơn trong tương lai. Về dài hạn, các ngân hàng đang tìm cách thay đổi cơ cấu cho vay của mình từ nguồn vốn trung và dài hạn thay vì nguồn vốn ngắn hạn như hiện nay. Điều này làm ảnh hưởng đến dòng vốn đi vào thị trường bất động sản. Thêm nữa, quy định về tỷ lệ rủi ro cho vay lĩnh vực bất động sản cũng sẽ tăng từ mức 150% lên 250% theo Thông tư 06 càng làm cho dòng vốn từ các tổ chức tín dụng vào lĩnh vực bất động sản ngày càng “nhỏ giọt” hơn. Trong quá khứ, thị trường bất động sản cũng đã biết chuyện gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng siết dòng vốn.

Theo các chuyên gia, tình trạng bát nháo mua bán đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở nhiều địa phương mới có thông tin quy hoạch, đang gây nhiều bất ổn và có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không sớm kiểm soát, tình trạng bong bóng giá đất sẽ ngày càng rõ nét.


MẠNH THẮNG
Ý kiến của bạn