Sáng 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ tiếp tục thị sát công tác phòng chống dịch bệnh sởi tại BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới TƯ và BV Đống Đa (Hà Nội).
Tại BV Bạch Mai, theo báo cáo của BV, hiện số bệnh nhân đang điều trị sởi là 67 trường hợp, trong đó có 11 bệnh nhân nặng, 5 bệnh nhân phải thở máy, số bệnh nhân mắc mới sởi nhập viện trong ngày 20/4 là 7 ca. Tích lũy số bệnh nhân sởi nhập viện tại BV Bạch Mai từ đầu năm đến ngày 20/4 là 241 ca, trong đó 6 bệnh nhân tử vong (1 ca là trẻ dưới 9 tháng tuổi). 87% bệnh nhân thuộc khu vực Hà Nội, còn lại ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Yên Bái...
Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, có biến chứng viêm phổi, các trường hợp bệnh nhi tử vong đều chưa đến thời gian tiêm phòng sởi mũi 1 hoặc mũi 2. BV đã kê thêm 10 giường bệnh tăng cường cho khoa Nhi, sử dụng các phòng, giường bệnh điều trị tự nguyện để thu dung, điều trị bệnh nhân sởi; tăng cường máy thở từ các đơn vị khác của BV cho khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm, đảm bảo đáp ứng tất cả bệnh nhân sởi cần được thở máy, các máy thở do Bộ Y tế cấp cũng đã được đưa vào sử dụng. Bệnh nhân sởi cũng được BV cung cấp các suất ăn giàu dinh dưỡng theo chế độ bệnh lý... Bệnh viện cũng đã chủ động miễn giảm viện phí cho những bệnh nhân sởi có hoàn cảnh khó khăn, cứu sống nhiều bệnh nhân có biến chứng và diễn biến nặng, chưa có hiện tượng lây lan trong BV.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhi điều trị sởi tại BV Bạch Mai. Ảnh: T.Minh.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho biết, nhờ công tác truyền thông, đến thời điểm này số lượng bệnh nhân sởi nhập viện tại BV đã giảm hẳn, bệnh nhân yên tâm điều trị tại tuyến dưới, những bệnh nhân nhẹ thì theo dõi điều trị tại nhà.
“Từ đầu mùa dịch tới nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thiết lập khu vực chờ khám riêng cho nhân sởi và sốt phát ban nghi sởi. Các phòng khám thiết kế đi một chiều, ưu tiên khám những bệnh lây qua đường hô hấp. Sau khi khám bệnh, ca nào nặng thì BV mới tiếp nhận điều trị; ca nào thuộc phạm vi chuyên môn tuyến dưới thì BV chuyển luôn xuống BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn. Với những ca sởi nhẹ, Bệnh viện triển khai phòng tư vấn điều trị tại nhà cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu có biến chứng thì quay trở lại bệnh viện”, TS Kính nói.
Theo số liệu tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ đến ngày 21/4, BV đã tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 700 ca sởi và sốt phát ban nghi sởi; trong đó có 523 bệnh nhân dương tính với sởi, số điều trị nội trú là 373 ca. Số bệnh nhân biến chứng là 96 ca, chủ yếu là viêm phổi, suy hô hấp là 92 ca và 4 trường hợp bị biến chứng viêm não. Đến nay, có 1 bệnh nhân tử vong do viêm phổi nặng, suy hô hấp kèm nhiễm khuẩn huyết sau sởi và 4 ca vì quá nặng nên gia đình xin về. Đáng lưu ý, trong số ca dương tính với sởi nhập viện, có 73,2% là bệnh nhân ở Hà Nội, chủ yếu là quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… 60% bệnh nhi dưới 5 tuổi dương tính với sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị sởi tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Ảnh: T.Minh.
Tại BV Đống Đa là BV vệ tinh của BV Bệnh nhiệt đới TƯ, đầu ngành truyền nhiễm của TP Hà Nội, hiện đang có 63 bệnh nhân sởi và sốt phát ban nghi sởi đang điều trị tại BV. Tích lũy từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận thu dung điều trị cho 529 ca sởi và sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 327 bệnh nhân được điều trị nội trú, bao gồm 26 ca là trẻ dưới 9 tháng tuổi, còn lại chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi. Đặc biệt, chưa ghi nhận ca tử vong do sởi tại BV trong đợt này.
Phát biểu chỉ đạo các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến biểu dương những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ tích cực tham gia chống dịch, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu làm sao để rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân sởi.
Bộ trưởng đặt câu hỏi tại sao ngay khi bệnh sởi lẻ tẻ ở các tỉnh miền núi phía Bắc ngành y tế đã vào cuộc, tuy nhiên dịch bệnh vẫn lan rộng với số lượng tử vong lớn, nhất là tại Hà Nội.
Bộ trưởng kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại BV Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: A.Tuấn.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết, bệnh sởi xuất hiện trở lại vào cuối năm 2013 và ngành y tế đã quyết liệt làm chiến dịch tiêm và tiêm vét văcxin sởi. Dịch không phải bắt đầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà bắt đầu từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Các tỉnh trên đã làm công tác phòng chống dịch rất quyết liệt và tốt, vì vậy dịch sởi tại đó đã giảm, chỉ duy nhất tại tỉnh Yên Bái là có hai ca tử vong.
Bộ trưởng cho hay: “Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi có điều kiện nhất nhưng dịch sởi lại bùng phát mạnh. Vậy chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân do đâu để có giải pháp giảm tử vong?”
Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là do người dân chủ quan không đửa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh sởi.
Nguyên nhân thứ hai là do tình trạng nhiều gia đình cho trẻ bị bệnh đổ dồn về tuyến Trung ương, đặc biệt là Bệnh viện Nhi Trung ương. Vì vậy, nên trong tổng số ca tử vong của cả nước là hơn 100 trường hợp, nhưng đến 95% là tập trung ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Đứng thứ hai về tỷ lệ tử vong là tại Bệnh viện Bạch Mai, thứ ba là Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Vì vậy, ổ dịch chính, “nút cổ chai” vẫn là Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nguyên nhân thứ ba nữa chính là do việc dồn bệnh nhân tập trung vào một vị trí, tập trung cao độ quá, điển hình nhất là tại Bệnh viện Nhi Trung ương, do đó việc trẻ bị bội nhiễm lây chéo bệnh rất dễ xảy ra. Thứ hai là lực lượng nhân viên y tế chăm sóc không đủ, trong khi số lượng bệnh nhân lại quá tải. Khi quá tải thì chất lượng sẽ giảm, trẻ dễ lây chéo, nhiễm trùng bệnh viện.
Theo Bộ trưởng, những ngày qua, do công tác truyền thông, thông tin tới người dân nhanh, nên số lượng đến Bệnh viện Nhi Trung ương đã giảm. Điều đó cho thấy, chỉ khi nhận thức của người dân về vấn đề này được thông suốt thì tình hình quá tải và dịch bệnh sởi được cải thiện nhanh chóng. Bởi Bộ Y tế có phân luồng, phân tuyến đến mấy, cán bộ y tế có nghiêm đến đâu khi bệnh nhân họ cứ vào buộc bệnh viện phải nhận thì BV cũng không thể từ chối.
Nguyên nhân thứ tư khiến dịch sởi bùng phát mạnh là do trong những tháng vừa qua mà Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra, do khí hậu miền Bắc ẩm liên tục khiến cho các virut gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ ban đầu vào viện là do viêm phổi, sau đó mới lây bệnh sởi. Khi trẻ bị bệnh hô hấp nặng, phổi đã trắng xóa lại nhiễm thêm bệnh sởi nữa. Do vậy bệnh chồng bệnh nên nguy cơ tử vong rất cao.
Khám cho bệnh nhi mắc sởi tại khoa Nhi - BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Ảnh: T.Minh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chỉ ra được những nguyên nhân khiến dịch sởi lan rộng trong thời gian qua chính là cách để ngành y tế đẩy mạnh cách giải pháp nhằm làm giảm sự lây lan của dịch sởi. Do đó, các cơ sở y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân sởi cần có biện pháp giãn giường bệnh trong khoa và giãn bệnh nhân nhẹ về các BV vệ tinh như BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn…; lọc bệnh tốt, cách ly nhanh, giảm lây chéo…
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng khẳng định, hiện nay để hạn chế dịch sởi Bộ Y tế đang triển khai giải pháp số một nhằm hạn chế các ca tử vong, đứng thứ hai là giảm các biến chứng của bệnh và đứng thứ ba là việc phân tuyến điều trị bệnh nhân.
Các đơn vị liên quan phối hợp các xã phường rà soát không bỏ sót các đối tượng tiêm chủng, kể cả các đối tượng đến tạm trú, bảo đảm tiêm đủ 100% cho trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều thuộc diện tiêm chủng. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tổ chức tốt khâu cách ly bệnh nhân, tập trung máy móc và trang thiết bị hiện đại để ưu tiên cứu sống bệnh nhân; tổ chức phân tuyến điều trị, chuyển tuyến phù hợp, chú ý hoạt động phòng tránh lây nhiễm trong cơ sở điều trị...
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 3.430 trường hợp mắc sởi trong tổng số 9.243 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 116 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Có 12 tỉnh, thành phố trên 21 ngày qua không ghi nhận bệnh nhân mắc sởi.
Kết quả chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 20/4/2014 là 59,0%. 9 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi đạt trên 80%. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi đạt kết quả lần lượt là 83,1% và 61,7%. Tuy nhiên, vẫn còn 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi đạt tỷ lệ tiêm thấp, dưới 50%.
Hạ Hiền - Như Bình
- Bệnh sởi và những biến chứng
- Nguyên tắc chữa sởi của Hải Thượng Lãn Ông
- Trước nguy cơ bệnh sởi quay trở lại: Chủng ngừa bằng vắc-xin nào?
- Món ăn thuốc cho người bệnh sởi
- Dự phòng và điều trị bệnh sởi thế nào?
- Bệnh sởi, Đông y chữa thế nào?
- Không tiêm phòng sởi, trẻ bị biến chứng viêm phổi suýt chết
- Chủ quan với sởi, nhiều trẻ bị “bỏ quên” tiêm chủng
- Phân biệt sởi và thủy đậu
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân sởi
- Bệnh sởi hoành hành, vì sao?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát bệnh sởi tại BV Nhi TW
- Thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống dịch bệnh sởi tại Hà Nội và TP.HCM
- Chưa công bố dịch sởi, vì sao?
- Phòng chống bệnh sởi cho trẻ em: Xin đừng nhẫn tâm câu view
- Thực phẩm phòng sởi hiệu quả cho bé
- Những sai lầm của cha mẹ khiến cho bệnh sởi ở trẻ càng thêm nặng
- Người lớn cũng cần đề phòng sởi
- Đề xuất thanh toán BHYT đối với các ca sởi vượt trần
- Tình hình bệnh sởi ở một số địa phương
- Cảm động thầy thuốc suốt đêm bóp bóng cho bệnh nhi sởi
- Thủ tướng yêu cầu khẩn trương dập tắt dịch sởi
- Hà Nội: Từ 20/4 sẽ tiêm miễn phí vaccin sởi cho trẻ nhỏ
- Dịch sởi ở châu Âu và Mỹ do cha mẹ bỏ quên tiêm chủng
- Hoạt hình ý nghĩa về bệnh sởi
- Người lớn chủ quan với bệnh sởi
- Chẩn đoán và điều trị bệnh sởi như thế nào?
- Bức xúc trò trục lợi kiếm tiền từ dịch sởi
- Trị bệnh sởi theo phương pháp Đông y
- Tin nóng: Bệnh sởi đã có dấu hiệu giảm
- Bộ Y tế quyết liệt khống chế bệnh sởi
- Sẽ có thuốc kháng virus chặn đứng bệnh sởi?
- Cách phòng tránh bệnh sởi cho trẻ dưới 9 tháng
- Chữa bệnh sởi bằng bài thuốc cổ truyền
- Lời khuyên điều trị của chuyên gia khi trẻ mắc sởi
- 57,4% số trẻ trong diện tiêm được tiêm phòng sởi
- Hà Nội: Từ 20/4 sẽ tiêm miễn phí vaccin sởi cho trẻ nhỏ