Đã bốn đời, gia đình anh Tưởng bị căn bệnh mà dân gian vẫn gọi là “tê tê, say say” hành hạ. Những biểu hiện của bệnh, từ đang yên lành đột nhiên mặt mũi đỏ ửng, đầu óc rơi vào trạng thái lâng lâng như ngấm men rượu, chân tay lẩy bẩy đi đứng chẳng khác gì người say, anh đã thuộc nằm lòng.
Thế nhưng vì gia cảnh nghèo túng, vì thiếu hiểu biết, anh đã không tìm đến bệnh viện điều trị. Anh không hề biết, căn bệnh “tê tê, say say” mà dân gian vẫn gọi bằng… bệnh lạ đó, thực chất đã được cơ quan y tế tìm ra nguyên nhân và cách điều trị từ hàng chục năm nay.
Chứng bệnh biến người tỉnh thành… “say”
Đó là tình cảnh một dòng họ ở miền Tây, từ 4 đời nay họ mắc phải căn bệnh đã được các chuyên gia y tế nghiên cứu được cơ chế phát sinh. Nhưng sống ở miền quê sông nước, gia cảnh lại nghèo, gia đình anh Tưởng không có điều kiện đi khám chữa tại bệnh viện, cũng không có điều kiện tìm hiểu, cập nhật kiến thức điều trị. Bởi thế, chứng bệnh ấy cứ âm thầm phát tác qua tháng năng, khiến lần lượt từng người trong gia đình anh chết dần, chết mòn.
Chúng tôi gặp anh Trầm Hoàng Tưởng (35 tuổi, ngụ ấp Bình Đức 4, xã Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), người “đại diện” cho hậu quả căn bệnh truyền kiếp của dòng họ. Sau 10 năm mắc bệnh, anh Tưởng từ một người khỏe mạnh nay chẳng khác nào phế nhân. Anh không thể làm việc nặng. Mỗi khi anh đi, bước chân cứ dặt dẹo rồi loạng choạng ngã khiến nhiều người lầm tưởng anh là một gã ma men. Không có tiền đi bệnh viện, anh chỉ loanh quanh… chữa mẹo hoặc tự điều trị ở nhà nên bệnh không thuyên giảm.
Anh Tưởng chua chát tâm sự: “Cả bốn đời trong họ hàng nhà tôi, không chỉ đàn ông mà ngay cả phụ nữ cũng mắc. Đầu tiên là đời bà nội và nay là đứa con trai tôi, nó cũng đang có những triệu chứng như bà nội nó. Đã qua 4 đời rồi mà căn bệnh không tha, thế hệ nào cũng có một vài người mắc phải. Bệnh này khiến cho người ta phải sống khắc khoải rồi ra đi còn rất trẻ. Nó như một định mệnh vô hình nào đó, muốn làm cho dòng họ nhà tôi tiệt nòi vậy”. Là người “thừa hưởng” căn bệnh truyền kiếp, anh Tưởng cho rằng mình đang bước sang giai đoạn gần cuối. Giờ anh sống được ngày nào hay ngày đó mà không có niềm tin vào ngày mai.
Chị Nghiêm nói về căn bệnh của chồng. Ảnh TG
Vì căn bệnh quái ác hành hạ, người đàn ông vừa bước vào tuổi 35 trông tiều tụy đến khó tưởng. Từ một người sức vóc, nay thì chẳng khác nào một người tàn phế. Tay chân yếu ớt, anh phải nhờ vào chiếc xe lăn điện mỗi khi di chuyển đâu đó. Anh Tưởng kể về quá trình mắc bệnh như sau: “Cách đây gần 10 năm, tôi thường xuyên thấy chân tay tê nhức. Nghĩ là do làm việc nặng nhiều quá, tôi cũng không buồn quan tâm. Thế nhưng, thời gian càng kéo dài thì triệu chứng “say say, lâng lâng, tê tê” càng biểu hiện rõ hơn. Lúc này, tôi mới nghĩ tới những người thân trong gia đình cũng từng có biểu hiện như vậy. Thế tồi từ chỗ loạng choạng, chân tôi yếu hẳn và không đi lại được nữa. Không thể đi làm, cuộc sống gia đình trở nên xáo trộn. Từ chỗ là lao động chính trong nhà, giờ tôi trở thành gánh nặng cho vợ con”.
Trước đây, anh Tưởng làm nghề sửa xe nhưng từ khi mắc bệnh, khách bỏ hẳn. Bởi lẽ, thợ sửa xe gì mà cầm chiếc kềm cứ rơi oành oạch, ốc nọ vặn lẫn ốc kia, nói năng cứ lè nhè, đang ngồi bỗng té vạ vật… Nhiều người còn mỉa mai sau lưng anh: “Đàn ông gì mà tối ngày say xỉn, chỉ biết báo vợ báo con chứ chẳng làm được tích sự gì, kiểu này chỉ có nước cạp đất mà ăn thôi”. Mặc dù anh đã nhiều lần giải thích nhưng chẳng ai muốn tin, mọi người vẫn nghĩ anh nói xạo. “Giờ đây, ngay cả giọng của tôi cũng khó nghe, anh chị biết rồi đấy. Mỗi khi nói, chẳng khác nào người ngấm men, muốn nói thành tiếng cũng khó. Người biết còn cảm thông, kẻ xa tới thì nghĩ mình như sinh vật lạ ấy. Họ nói rằng, tôi nghèo rồi mà còn nghiện rượu, làm tôi tủi hổ lắm”, anh Tưởng tâm sự.
Sống mòn vì bệnh tật
Anh Tưởng còn nhớ, hồi chưa bị bệnh anh là người rất khỏe. Anh được tuyển chọn tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó hoàn thành nghĩa vụ mới về quê cưới vợ sinh con. Cuộc sống đang êm đềm trôi đi thì bỗng một ngày, căn bệnh lạ ập đến khiến mọi thứ đảo lộn. Anh Tưởng kể, thời gian đầu mắc bệnh, lúc nào anh cũng rơi vào trạng thái lâng lâng, người nhũn đi và hễ đặt lưng xuống là ngủ li bì chẳng biết trời đất gì nữa. Mỗi lúc thức dậy, anh thấy chân tay rã rời, đầu óc ngả nghiêng như vừa bước qua một cuộc nhậu bí tỉ. Đôi chân muốn xuống bước tới thì lại dẹo ngang, tay với được cái ly thì không thể bê nước lên miệng uống được. Chính vì tay chân “không biết nghe lời”, anh chẳng làm được gì nên hồn, đi đứng được tí chút lại ngã dúi dụi.
Chị Nghiêm (vợ anh Tưởng) cho biết, vì cảm thấy bản thân vô dụng nên anh Tưởng suy sụp hẳn. Anh bỏ ăn triền miên, đêm không ngủ, nhiều lần đòi tìm đến cái chết để được giải thoát. Thương chồng, chị Nghiêm bòn vét, vay mượn thêm tiền đi gõ cửa các thầy lang. Anh đã uống nhiều bài thuốc dân gian của những lương y nổi tiếng vùng Bảy Núi nhưng vẫn không có biến chuyển nào.
Dù bệnh tật, anh Tưởng vẫn cố gắng san sẻ gánh nặng với vợ con. Anh xin vợ đi bán vé số nhưng rồi cái việc tưởng như đơn giản nhất ấy, anh cũng không làm nổi. Nhiều lúc, anh đang đi bán thì bệnh “hành”, tay chân không điều khiển được nên ngã nhào ra đất, vé số bay tứ tung. Nhiều người tưởng đi bán vé số mà còn nhậu nhẹt nên buông lời mỉa mai. Những lúc ấy, anh chỉ biết khóc thầm. Nhiều hôm về thấy chồng về mặt mày bầm tím, thân thể xây xước, chị Nghiêm lại xót xa như cắt ruột. Thương chồng, chị bấm bụng lấy khoản tiền ít ỏi bao năm tích góp mua một chiếc xe ba bánh điện cũ để anh Tưởng làm phương tiện đi lại. Từ ngày có xe, anh Tưởng cũng phần nào giúp được cho chị, lúc đưa báo giúp vợ khi thì đón con đi học.
Thấy cuộc sống vợ chồng anh Tưởng quá khốn khổ nên một người tốt bụng trong xóm đã dạy cho cách nuôi rắn hổ. Ban đầu, giá rắn còn cao cũng đem lại ít nhiều thu nhập cải thiện cuộc sống. Nhưng khi vợ chồng anh chị vừa đầu tư mở rộng làm ăn thì rắn mất giá, bao nhiêu vốn liếng tan tành. Chán nản, vợ chồng lại quay về với nghề vá xe, bán báo dạo kiếm miếng cơm qua ngày. Nghiệt ngã thay, đứa con trai đầu lòng của anh chị lại đang có triệu chứng bệnh của cha. Chị Nghiêm nghẹn ngào kể: “Có lúc phát bệnh, nó kêu la rồi lấy xe đạp chạy xuống tới tận vùng Châu Đốc gần Campuchia như có ai xui khiến. Một lần khác, nó còn đi tới tận cầu Mỹ Thuận giáp Tiền Giang và Cần Thơ nữa ấy chú ạ. May mà sau đó, có người hàng xóm đi công việc ở đó nhìn thấy mà dẫn nó về. Chồng thì bệnh tật, các con điên khùng vậy, tôi đau lòng lắm”.
Và đến nay, bất hạnh vẫn đang đeo bám lấy những thân phận khốn khổ trong gia đình ấy. Họ sống trong khắc khoải, lo âu tuyệt vọng và không có niềm tin vào ngày mai. Niềm mong mỏi của gia đình anh Tưởng lúc này là được các nhà hảo tâm biết được câu chuyện sẽ hỗ trợ điều trị. Để qua đó, gia đình anh thực sự thoát khỏi nỗi ám ảnh về căn bệnh đã bốn đời hành hạ.
Nên đến Bệnh viện để được điều trị dứt điểm Bác sĩ Nguyễn Trọng Tân (Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa An Giang) cho biết: “Tê tê, say say” chỉ là cách gọi trong dân gian. Thực chất, căn bệnh này là viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên. Dấu hiệu của bệnh là người da xanh, mặt nhợt, tê bì tay chân như kiến bò. Người bị bệnh có thể bị tê bì từ đầu các ngón chân, ngón tay, sau đó lan dần lên cẳng chân, tay rồi lên đến đầu, có người thì mất cảm giác ở vùng da chân tay, sưng bắp chân, chướng bụng. Nếu người bị nặng thì dẫn đến tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, cơ yếu có thể không đi lại được. Sau khoảng vài ba giờ sẽ có triệu chứng suy tuần hoàn, suy hô hấp và dẫn đến tử vong sau ba đến bốn giờ. Nhưng thông thường thời gian từ khi biểu hiện bệnh đến khi mất là gần một năm do cơ thể mất sức đề kháng dần, không ăn uống được và gầy yếu rồi chết. Năm 2000, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra phác đồ chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 để làm căn cứ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Trường hợp anh Tưởng, do hoàn cảnh nghèo và thiếu kiến thức nên bị căn bệnh hành hạ. Tôi mong anh sớm ổn định tinh thần. Trong thời gian tới, anh Tưởng nên tìm đến bệnh viện để được điều trị”.
|
Theo Gia Đình & Xã Hội