Bốn bệnh nhân một giường, chung ống thở

04-04-2014 19:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Chúng tôi đang quá tải trầm trọng. Hiện nay BV Nhi T.Ư được phân công 1200 giường bệnh, tuy nhiên, thường xuyên có từ 1.650 đến 1.750 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, quá tải lên tới 130%.

Chúng tôi đang quá tải trầm trọng. Hiện nay BV Nhi T.Ư được phân công 1200 giường bệnh, tuy nhiên, thường xuyên có từ 1.650 đến 1.750 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, quá tải lên tới 130%.

Do đó, người dân cần có sự tin tưởng vào y tế tuyến dưới để đưa con em mình đến điều trị đúng tuyến, tránh quá tải trầm trọng cho BV Nhi Trung ương. Đấy là mong muốn tha thiết của lãnh đạo BV Nhi Trung ương tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế diễn ra vào sáng ngày 4/4/2014 tại bệnh viện. Buổi làm việc này còn có sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế và một số bệnh viện sản nhi vệ tinh của BV Nhi Trung ương

Khoa nào cũng quá tải

Tình trạng quá tải bệnh nhân nặng tại BV Nhi Trung ương trầm trọng đến mức, liên tục trong 2 ngày 3-4/4, Bộ Y tế đã phải tổ chức làm việc khẩn với Bệnh viện này. Tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương đã phải “kêu trời” vì tình trạng quá tải vô cùng trầm trọng, đang vượt khả năng điều tiết của bệnh viện khi 2 tháng trở lại đây, BV Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, đặc biệt là bệnh nhân nội trú, trung bình khoảng 1.400 nay đã tăng vọt lên đến 1.700 ca. Thêm 300 bệnh nhân, trong khi phòng ốc, giường bệnh chỉ có vậy, bệnh viện đã cố gắng kê thêm giường nhưng cảnh nằm ghép vẫn xảy ra.

“Tình trạng quá tải trầm trọng, vượt trên 30%. Trong đó, số bệnh nhân nặng cần thở máy từ 100-120 ca; bệnh nhân cần thở ôxy từ 200-250 ca. Số bệnh nhân sởi 203 ca; bệnh nhân viêm phổi 200 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân tăng, nhân lực, máy móc, trang thiết bị vẫn chỉ có vậy khiến công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn, bởi thiếu máy thở, thiếu các phương tiện hỗ trợ điều trị”, BS Trần Văn Học- Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp than thở.

Tại khoa Hô Hấp, tình trạng bệnh nhi nằm ghép rất phổ biến. Sáng 4/4, tại Khoa Hô hấp A16, phòng có bảy giường thì đã có đến 30 bệnh nhi, cứ ba đến bốn cháu phải nằm chung một giường. Bố mẹ các bệnh nhân người đứng, kẻ ngồi ôm con giữ ống thở cho con. Tiếng máy móc, tiếng gọi bác sĩ, điều dưỡng liên tục vang lên. Không khí vô cùng ngột ngạt.

PGS.TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp cho biết, cả khoa có 14 bác sĩ, 36 điều dưỡng mà phải điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Trong số này có đến 118 bệnh nhân phải thở oxy. “Nếu tính trung bình, mỗi bác sĩ đang phải điều trị cho 21 bệnh nhân trong đó trên 50% bệnh nhân phải thở máy. Mỗi tua trực 15 điều dưỡng phải chăm sóc cho trên 200 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân phải nằm từ 3- 4 người/1giường bệnh và đều phải thở ôxy. 4 bệnh nhi không chỉ chung nhau một cái giường chật trội mà đến 1 ổ ôxy phải chia cho 4 bệnh nhi”, TS Tuấn cho biết.

Bốn bệnh nhi nằm chung 1 giường điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ảnh chụp sáng ngày 4/4. Ảnh T.Bình

Bốn bệnh nhi nằm chung 1 giường điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ảnh chụp sáng ngày 4/4. Ảnh T.Bình\

“Chúng tôi đã làm hết cách…”

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống bên lề cuộc họp, TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, tình trạng quá tải của BV Nhi Trung ương không phải chỉ thời gian gần đây mà đã kéo dài nhiều năm, tuy nhiên gần đây quá tải bệnh nhân nặng. Thời gian qua, BV Nhi Trung ương đã huy động đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, tích cực tăng ca, tăng giờ làm việc, điều chuyển nhân lực từ khu vực có ít bệnh nhân đến khu vực nhiều bệnh nhân. Từ học viên đi học, học viên sau đại học đều tham gia hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt các ca trực ban đêm. Bệnh viện cũng giảm bớt các buồng bệnh hành chính, như biến buồng của y tá, bác sĩ, kê thêm giường để chuyển thành buồng bệnh cho bệnh nhân nằm. Ngay cả trang thiết bị cho các bệnh nhân nặng không đủ, bệnh viện đã phải “đi vay” các trang thiết bị tối thiểu ở các đơn vị khác như máy thở, monitor, máy chụp X-quang di động, máy truyền dịch… Các bác sĩ cũng cập nhật lại quy trình điều trị các bệnh viêm phế quản phổi, sởi…

Quy trình thăm khám bệnh nhân của các bác sĩ, trưởng khoa, quy trình điều phối nhân lực của điều dưỡng trưởng cũng được thay đổi để bảo đảm cho việc thăm khám bệnh nhân được hiệu quả hơn. Quy trình thăm khám, sàng lọc người bệnh chặt chẽ và bảo đảm hơn. Chẳng hạn những bệnh nhân không thuộc chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi T.Ư có thể yêu cầu quay trở lại bệnh viện tuyến dưới. Tuy đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng cho đến nay tình trạng quá tải tại BV Nhi T.Ư vẫn không giảm bớt.

Nhiều bện nhi vẫn đang chờ đến lượt được vào khám tại BV Nhi Trung ương.  Ảnh chụp sáng ngày 4.4. Ảnh T.Bình

Nhiều bện nhi vẫn đang chờ đến lượt được vào khám tại BV Nhi Trung ương.

Ảnh chụp sáng ngày 4.4. Ảnh T.Bình

Trước tình trạng quá tải trầm trọng như hiện nay, tại buổi làm việc PGS.TS Lê Thanh Hải đề nghị Bộ Y tế có văn bản đề nghị các bệnh viện chấn chỉnh công tác chuyển bệnh nhân, quy định về vượt tuyến khám chữa bệnh. Bởi tại BV Nhi Trung ương có lượng không nhỏ bệnh nhân từ các địa phương tự ý vượt tuyến trong khi tình trạng bệnh không nặng nề, chỉ là viêm đường hô hấp, viêm phổi thông thường.

Người dân nên tin tưởng vào y tế tuyến dưới

Tại buổi làm việc sáng nay của BV Nhi T.Ư, ông Cao Hưng Thái – Cục phó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, cần phải có phương án sẵn sàng khi xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân nặng quá tải tại BV Nhi T.Ư, đề xuất phải có đánh giá lại thực trạng này. Cục đang đề xuất giải pháp phối hợp giữa các bệnh viện T.Ư trên địa bàn và các bệnh viện tuyến thành phố, tuyến huyện.Theo ông Thái, giải pháp căn cơ và lâu dài là về nhân lực, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề xuất dành một nguồn tiền để đào tạo và hướng dẫn lại một số phác đồ điều trị các bệnh thông thường như sởi, cúm, đa cúm… Sắp tới, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư về chuyển tuyến, nếu khi người bệnh, người nhà người bệnh yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì người nhà người bệnh phải viết giấy ủy quyền, có khi lên tuyến trên bệnh nhẹ, lại bị chuyển về tuyến dưới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nếu như bác sĩ không cho chuyển viện trong khi người nhà vẫn muốn chuyển mà chẳng may xảy ra việc gì thì rất rắc rối. Vì vậy, Bộ Y tế đã ra các thông tư về chuyển tuyến nhưng trong thực hành lâm sàng cũng phải mềm dẻo, cái chính là phải tư vấn người nhà bệnh nhân cho tốt, làm với trách nhiệm cao nhất thì khi xảy ra sự cố người nhà cũng sẽ thông cảm.

Tại hội nghị, trước thực trạng Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hà Thị Liên cho biết, 24 bệnh viện trên địa bàn thành phố hiện có chuyên khoa Nhi trên chỉ có tám máy thở và cũng thường xuyên trong tình trạng quá tải nên khó có thể “chia lửa quá tải” với BV Nhi Trung ương, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đề nghị lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội phải mua cấp tốc thêm máy thở. Các bệnh viện như Xanh-pôn, Thanh Nhàn… sẵn sàng phối hợp điều trị với BV Nhi Trung ương để tránh quá tải.

 Theo TS Trần Minh Điển- đối với những trường hợp trẻ bị những bệnh lý thông thường về đường hô hấp, viêm phế quản thông thường… phụ huynh không nên đưa con vượt tuyến từ các tuyến dưới về BV Nhi Trung ương. Hiện nay BV Nhi Trung ương đang quá tải trầm trọng do đó, bệnh nhi sẽ phải nằm ghép nhiều trên 1 giường bệnh, chất lượng chăm sóc bệnh nhân cũng sẽ phải san sẻ cho nhiều bệnh nhân. Đồng thời, quá tải sẽ dễ có nguy cơ làm trẻ lây nhiễm chéo bệnh từ các bệnh nhi khác. Do đó, người dân cần có sự tin tưởng vào các thầy thuốc tuyến dưới, bởi hiện nay đối với các bệnh thông thường như viêm đường hô hấp, viêm phổi… y tế tuyến dưới đều điều trị tốt.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn