Bơm tạp chất vào tôm: Sẽ bị xử lý hình sự

04-08-2017 15:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận, ảnh hưởng xấu đến chất lượng thực phẩm. Việc làm này đã bị người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu lên án từ lâu

, tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng vì cái lợi trước mắt mà cố tình vi phạm. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng một số bộ liên quan nghiên cứu để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung hành vi bơm tạp chất vào tôm là tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.

Liên tiếp phát hiện gian lận

Mới đây, ngày 2/8, Cục CSMT (Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT đã bắt quả tang cơ sở kinh doanh Lê Quang Long trú tại phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội bơm tạp chất vào tôm. Lực lượng chức năng phát hiện có 2 người đang bơm tạp chất arga (thạch rau câu) còn nóng vào 8kg tôm nguyên liệu, hiện trường còn khoảng 10kg. Bước đầu, chủ cơ sở thừa nhận đã bơm tạp chất arga vào tôm từ 3-4 tháng qua. Cũng tại chợ đầu mối phía Nam, đoàn kiểm tra còn phát hiện chủ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hải đang bán 12kg tôm bơm tạp chất. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong và tạm giữ tang vật để xem xét xử lý theo quy định.Bắt quả tang cơ sở bơm tạp chất vào tôm tại Hà Nội.

Bắt quả tang cơ sở bơm tạp chất vào tôm tại Hà Nội.

Tại các tỉnh trọng điểm về nguyên liệu tôm là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang thời gian qua cũng đã có những nỗ lực trong ngăn chặn tình trạng bơm tạp chất vào tôm. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã phát hiện đến 40 trường hợp bơm và vận chuyển tôm có tạp chất với số lượng gần 10 tấn. Tuy nhiên, phần lớn các vụ đưa tạp chất vào tôm bị phát hiện thời gian qua chủ yếu là ở các điểm nhỏ lẻ, hộ gia đình. Còn các cơ sở lớn, doanh nghiệp gần như chưa xử lý được nên “cuộc chiến” chống tôm bơm tạp chất vẫn còn gian nan và chưa có hồi kết.

Trước đó, ngày 10/6, các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra liên tiếp 3 cơ sở ở Bạc Liêu và thu giữ gần 1 tấn tôm bơm tạp chất. Đây là hành vi gian dối về kinh tế, gây ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam. Việc làm này đã bị cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu lên án từ lâu. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng vì cái lợi trước mắt mà cố tình vi phạm. Tạp chất để bơm vào tôm thường là agar hay còn gọi là rau câu. Câu chuyện tôm bơm tạp chất đã tồn tại từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa kiểm soát được triệt để. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), khi giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao cũng là thời điểm số lượng tôm bơm tạp chất càng tăng lên.

Bơm tạp chất vào tôm sẽ bị xử lý hình sự

Tại buổi họp báo thường kỳ mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), cho biết, hiện nay đã có cơ chế xử phạt hành chính về hành vi bơm tạp chất vào tôm và mức phạt khá nghiêm khắc.

Theo đó, tại Khoản 5, Điều 16 Nghị định 178 về xử lý vi phạm hành chính trong ATTP quy định các khung hình phạt từ cá nhân vi phạm tới tổ chức sơ chế, chế biến đưa tạp chất vào tôm và thủy sản. Cũng theo ông Tiệp: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và vệ sinh thực phẩm cho phép phạt đến 7 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là doanh nghiệp và 3 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là cá nhân.

Tuy nhiên, để xử lý triệt để hành vi này thì cần phải có chế tài mạnh hơn. Theo đó, ngày 13/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 2419/QĐ-TTg đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, Chính phủ giao cho Bộ Công an cùng các bộ liên quan xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn theo Luật Hình sự. Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự, Bộ Công an phối hợp với các bên để có phương án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào tội hình sự, ông Tiệp nói.

Cũng theo Quyết định 2419/QĐ-TTg, mục tiêu đến hết năm 2017, 100% các cơ sở nuôi tôm tại 4 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại 4 địa bàn trên ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tạp chất. Đến năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm trên phạm vi cả nước.

Thượng tá Trần Quốc Dũng - Phó trưởng phòng CSMT (PC49) Công an Hà Nội chia sẻ: Theo quy định, để xử phạt về hành vi bơm chích tạp chất vào tôm, ngành chức năng phải bắt được quả tang. Đây là cái khó nhất, bởi các cơ sở bơm chích tạp chất hiện hoạt động rất tinh vi, để bắt được quả tang hành vi này là không hề dễ. Vì vậy, tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn len lỏi ở nhiều nơi và cuộc chiến vẫn còn hết sức gian nan.

Để có chế tài đủ mạnh xử lý hành vi bơm tạp chất vào tôm, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng một số bộ liên quan nghiên cứu để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung hành vi bơm tạp chất vào tôm là tội danh mới trong BLHS.


Thục Viên
Ý kiến của bạn