Dù không gây chấn động làng thể thao như năm ngoái với hiện tượng Ánh Viên tại SEA Games 28, song môn bơi vẫn trở thành tâm điểm của Thể thao Việt Nam năm 2016 với hai điểm nhấn: vụ tranh chấp đi ở của tài năng trẻ Phương Trâm và tấm HCV lịch sử của chính Ánh Viên tại giải vô địch châu Á. Ông Đinh Việt Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) báo SK&ĐS xung quanh Ánh Viên, Phương Trâm và những vấn đề của môn bơi Việt Nam.
Ông Đinh Việt Hùng.
PV: Vụ lùm xùm phức tạp, kéo dài liên quan đến chuyện đi ở của Phương Trâm đã kết thúc có hậu, khi em vẫn ở lại TP.HCM, nhận tài trợ lớn để sang Mỹ tập huấn. Tuy nhiên, rõ ràng chuyện chuyển nhượng với góc khuất “đi đêm” hay “bắn tỉa” VĐV vẫn là một vấn đề của bơi Việt Nam, thưa ông?
Ông Đinh Việt Hùng: Hiện tượng “đi đêm” và “bắn tỉa” đúng là đang xảy ra, ngày càng phức tạp và cũng không chỉ ở môn bơi. Việc tranh chấp đi ở của Phương Trâm có thể coi như một trường hợp điển hình của bơi Việt Nam, đòi hỏi tất cả các bên liên quan đều phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc để có những điều chỉnh hợp lý. Ví dụ mảng quản lý, thương thảo và ký kết hợp đồng giữa đơn vị chủ quản với VĐV hay gia đình VĐV cần phải minh bạch, chặt chẽ.
Quyền lợi của các bên cần phải được đảm bảo, trên cơ sở quan trọng nhất là đúng luật. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, thực ra trong vụ việc của Trâm, chúng tôi trong thẩm quyền của mình đã tạo ra bước đột phá khi Trâm vẫn được đầu tư tốt, được tập luyện và thi đấu tại mọi giải đấu. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng một quy chế chuyển nhượng “khung” nhằm giúp các môn thể thao dưới nước có một hành lang pháp lý cho một dòng chảy lành mạnh.
Phương Trâm đã phát huy khả năng nhờ được đầu tư đúng hướng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Phương Trâm được tài trợ 18 tỷ để sang Mỹ tập huấn dài hạn trong 9 năm? Liệu chúng ta có một Ánh Viên mới?
Ông Đinh Việt Hùng: Chúng ta không thể biết chắc nếu Phương Trâm được đưa sang Mỹ, được đầu tư đúng như mẫu hình của Ánh Viên thì có thể đạt tới đẳng cấp ngang hay vượt hay không. Điều này còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, trong đó có phần quyết định từ ý chí, khả năng chuyên môn và khả năng đáp ứng được đòi hỏi đặt ra của Trâm. Chỉ có một điều mà ai cũng nhìn thấy, Phương Trâm đang ở tuổi 14, một độ tuổi phù hợp để tăng tốc phát triển. Và với chuyến sang Mỹ tập huấn dài hạn, em đã được đặt vào đúng quy trình và đúng thời điểm. Rất mừng vì Trâm đang thích nghi và phát triển rất tốt.
PV: Theo cách nói của ông về Ánh Viên hay kể cả Phương Trâm, có vẻ như mục tiêu của bơi bây giờ không chỉ dừng lại ở đấu trường SEA Games?
Ông Đinh Việt Hùng: Sau nhiều năm nỗ lực và bền bỉ đầu tư, bơi Việt Nam đã hoàn toàn có thể tự tin nhắm tới mục tiêu châu lục và thế giới để phấn đấu. Chúng ta có những nhân tố, không chỉ Ánh Viên hay Phương Trâm, có đủ khả năng vươn cao nếu được đầu tư tốt. Rõ ràng việc tuyển chọn, đào tạo VĐV theo hướng “mũi nhọn trọng điểm” đã cho thấy sự đúng đắn và hiệu quả. Ở SEA Games 28, bơi Việt Nam đã đoạt hạng Nhì toàn đoàn với 10 HCV, với một đội hình 8 tuyển thủ trẻ có độ tuổi trung bình chưa đến 20.
Môn bơi cần tìm kiếm nhân tố mới, không chỉ trông chờ Ánh Viên.
PV: Nhìn từ xuất phát điểm, bơi Việt Nam đang có những bước tiến phi thường. Tuy nhiên, giới chuyên môn đều cho rằng thành quả có được suy cho cùng nhờ cả Ánh Viên?
Ông Đinh Việt Hùng: Điều đó rất bình thường với đặc thù môn bơi và nhiều cường quốc trên thế giới cũng đều như vậy, chủ yếu dựa vào một hay một vài kình ngư trụ cột. Tất nhiên chúng tôi luôn xác định bơi Việt Nam không thể chỉ trông mãi vào Ánh Viên, mà quan trọng nhất phải tạo dựng lên một hệ thống gồm nhiều VĐV tốt ở các tuyến khác nhau.
Tôi cũng hiểu rằng, lực lượng của chúng ta còn rất mỏng, còn nhiều hạn chế cả về đội ngũ người thầy, ứng dụng khoa học công nghệ, sự kết nối giữa phong trào với đỉnh cao. Tức là, có rất nhiều việc phải làm cơ bản ngay từ nền tảng. Dù có nhiều khởi sắc, luôn được ngành thể thao quan tâm tập trung cao nhất có thể, song bơi còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh phí.
Mọi chuyện ngày càng tốt lên, song xét trong điều kiện thực tế, chúng ta phải chọn lựa cách làm phù hợp nhất, như tôi đã nói ở trên: Đầu tư “mũi nhọn trọng điểm”.
PV: Xin cảm ơn ông!