Bôi thuốc gì khi bị vẩy nến?

11-02-2019 10:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi bị vẩy nến đã hơn 10 năm nay. Bệnh tương đối ổn định, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn thấy xuất hiện một vài đốm vẩy nến rất nhỏ trên da ở các vị trí khác nhau của cơ thể, và ngứa chỗ vẩy nến.

Xin bác sĩ tư vấn cho tôi trường hợp của tôi có thể bôi thuốc gì? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Vũ Hoàng Lan (Nam Định)

Bệnh vẩy nến là hội chứng tương đối lành tính, thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và gây khó chịu cho người mắc. Bệnh phát thành từng đợt, tăng giảm theo thời tiết hoặc cơ địa bệnh nhân.

Nguyên nhân gây ra căn bệnh vẩy nến có thể do hệ thống miễn dịch sản xuất một số lượng quá nhiều tế bào da gây rối loạn da tự miễn dịch. Hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này mà không tái phát bệnh. Một số yếu tố khác như di truyền, nhiễm khuẩn hoặc người bệnh bị stress cũng làm gia tăng bị vẩy nến. Bệnh vẩy nến có các triệu chứng như khô da, tổn thương đỏ, vùng tổn thương tăng lên dạng vẩy bạc có thể bong tróc; thường xuất hiện trên khuỷu tay, đầu gối, da đầu, hoặc các vùng bên dưới, thậm chí nó có thể được tìm thấy bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục...; có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng như mụn mủ trên da, chảy mủ và để lại các tổn thương màu đỏ...

Để điều trị bệnh vẩy nến có thể dùng ngoài với các loại thuốc mỡ, kem, dung dịch với mục đích bong vẩy, tiêu sừng, hạn chế hình thành nhanh chóng vẩy da như thuốc mỡ salicylic (có tác dụng bong vẩy, bạt sừng), thuốc mỡ corticoid có tác dụng chống viêm... Tuy nhiên không nên bôi corticoid nhiều và dài ngày.

Các thuốc như vitamin A, methotrexate, cyclosporin... cũng có tác dụng tốt. Gần đây người ta đã tổng hợp được nhiều chất sinh học có tác dụng tốt trong điều trị bệnh vẩy nến như: efanecept, elefacept, efalizumab...

Như vậy, có rất nhiều thuốc được dùng trong điều trị vẩy nến, bạn cần đi khám, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể, tốt nhất cho bạn.

ThS. Lê Quốc Thịnh


Ý kiến của bạn