Nguyễn Lê Anh (Bắc Giang)
Kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 11. Trong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc với chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt.
Khi không may bị kiến ba khoang đốt, nếu sơ cứu đúng cách thì những tổn thương trên da sẽ dịu đi rất nhiều. Việc quan trọng bạn cần làm là giữ sạch vùng da bị thương tổn bằng nước muối sinh lý, rửa 3 - 4 lần/ ngày. Với vết thương do kiến ba khoang gây ra, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này. Sau đó, bôi các thuốc làm dịu da, mát da như oxyd kẽm. Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, nên sử dụng các loại thuốc mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ để bôi, giúp vết thương mau lành. Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với thuốc bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.
Vết đốt do kiến ba khoang cũng rất dễ nhầm lẫn sang bệnh zona dẫn đến việc điều trị không đúng cách. Vì vậy bạn nên đến cơ sở khám bệnh chuyên về da liễu để bác sĩ khám và điều trị ngay từ ban đầu tránh tốn kém, hoặc để bệnh lan rộng. Như vậy bệnh sẽ nhanh khỏi và không để lại di chứng.
Chúc bạn mau lành bệnh.