Hà Nội

Bội thực gameshow và quảng cáo

16-10-2009 08:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong vòng hơn một năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền hình (TH) cáp đã dần trở nên quen thuộc với đại đa số các hộ gia đình ở Việt Nam,

Trong vòng hơn một năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền hình (TH) cáp đã dần trở nên quen thuộc với đại đa số các hộ gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, sự gia tăng ồ ạt của các gameshow và các chương trình quảng cáo thiếu thẩm mỹ ngày càng khiến người sử dụng phản cảm.

Tại thời điểm này, theo khảo sát sơ bộ thì VTV có 64 kênh, VTC có 38 kênh, Đài PTTH Hà Nội (HTV) 50 kênh, Đài PTTH TP.HCM 65 kênh, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Tourist (SCTV) với số lượng áp đảo tới 70 kênh... Nếu như trước đây, người ta chỉ xem được tối đa 19 tiếng chương trình truyền hình mỗi ngày thì bây giờ là 24/24 tiếng với trên dưới 60 kênh phục vụ cho mọi đối tượng.

Bật tivi lên, kênh nào cũng thấy phát gameshow, tính sơ sơ các kênh chính cũng đã có tới hơn 30 gameshow phát thường xuyên như Ở nhà chủ nhật, Ai là triệu phú?, Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng, Tam sao thất bản, Hành khách cuối cùng, Ô cửa bí mật, Đấu trường 100, Đối mặt, Siêu thị may mắn, Đi tìm ẩn số, Nốt nhạc vui, Hát với ngôi sao, Đuổi hình bắt chữ, Vượt qua thử thách... Không ai phủ nhận việc các gameshow đã góp phần đáng kể mang lại sự hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả, nhưng việc nó phát triển quá nhiều và bị xen quá nhiều chương trình quảng cáo như hiện nay đã khiến khán giả bị "bội thực". Quảng cáo là nguồn thu chính để "nuôi sống" các đài truyền hình. Nhưng các bộ phận chịu trách nhiệm chạy chương trình lại quá sốt sắng hốt bạc mà đẩy việc phát triển ồ ạt, chạy xô các chương trình quảng cáo.

Rất nhiều khán giả cảm thấy khó chịu, bực bội, thậm chí bức xúc khi tần suất phát quảng cáo của các đài quá nhiều, lại xen kẽ không hợp lý giữa các chương trình. Một tập phim chỉ có 45 phút mà phải ngừng đến 3,4 lần để dành thời lượng cho các chương trình quảng cáo. Thậm chí, một số gameshow có thời gian phát quảng cáo kéo dài hàng chục phút, gần ngang bằng thời lượng của trò chơi. Kết quả, nội dung của các phần chơi bị xé lẻ, vụn vặt, khiến người xem phải chờ đợi trong tâm trạng vô cùng sốt ruột.

 Gameshow Trò chơi âm nhạc.

Nhà đài còn tận dụng một khoảng bên dưới màn hình để chen vào một hàng chữ quảng cáo cho các dịch vụ tin nhắn qua di động gây "nóng mắt" người xem và làm cho họ cảm thấy bị xem thường. Đơn cử như rất nhiều tình huống của những trận bóng đá giải ngoại hạng Anh vừa qua, khán giả truyền hình không thể xem được chi tiết vì bị phần quảng bá dịch vụ này (của đài cho sóng và của cả đài được tiếp sóng) cũng như quảng cáo "chạy chân" che mất phần dưới khuôn hình.

Trên thực tế, người quay phim, đạo diễn phim truyện truyền hình bao giờ cũng có ý thức về bố cục. Song, những khung hình từng được chăm chút trong quá trình sản xuất này đã bị cắt xén khi chạy quảng bá dịch vụ bằng kỹ thuật cẩn tín hiệu. Các dòng quảng bá ngày càng có khuynh hướng thiết kế cao hơn (tính từ chân màn hình tivi trở lên). Nhiều dòng chữ, hình ảnh động, màu sắc hơn và chạy "miệt mài" hơn nên gây phản cảm. Nhiều đài truyền hình tỉnh khi phát sóng, đã để cho một phần mềm điều khiển tự động các dòng chữ chạy quảng bá (chạy vòng lặp) nên nội dung này cứ lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.

Việc quảng bá cho các hình thức dịch vụ nhắn tin cũng như các nội dung trò chơi được tích hợp trong những chương trình TH bằng cách "chạy chân" hay "chắn sóng", lâu nay vẫn chưa có những quy định cụ thể như: dịch vụ nào, nội dung nào được phép xuất hiện trên kênh nào, trong chương trình nào, với tần suất ra sao, với tỷ lệ hiển thị trên màn ảnh ra sao...

Trong một số kênh TH hướng đối tượng ở nước ngoài (đặc biệt là kênh giải trí, thương mại), việc sử dụng các box trên màn hình để đưa nhiều nội dung thông tin, dịch vụ như giá cả chứng khoán, thời tiết, lịch bay, tin vắn... là chuyện bình thường. Nhưng nhà sản xuất chương trình luôn có ý thức xử lý bố cục bằng cách chia khung hình hợp lý không bị ảnh hưởng giữa các nội dung thông tin - dịch vụ.

Vậy có nên cần có quy định khi quảng bá dịch vụ, các đài phải sử dụng phần mềm chuyên dụng để nén tín hiệu khung hình các box khác cho hợp tỷ lệ, không nên cắt xén khung hình chính bằng hình thức "cẩn" tín hiệu như hiện nay.   

Mục đích cạnh tranh cuối cùng của các nhà đài là để thu hút, để nâng cao uy tín với khán giả, vậy thiết nghĩ, bên cạnh những yếu tố giải trí, cạnh tranh thương mại, các nhà đài cũng nên quan tâm tới tính thẩm mỹ, giáo dục và hiệu quả xã hội để mỗi chương trình thật sự có ý nghĩa trong việc nâng cao nhu cầu thưởng thức của khán giả và thể hiện đúng bản chất TH cáp là một loại hình truyền thông hiện đại.

Mai Nga


Ý kiến của bạn