Chị Liên cho biết, từ 3 năm nay, chị đã sử dụng rất nhiều loại TPCN, nhưng chị vẫn thất bại với mong muốn chấm dứt tình trạng mất ngủ. Hơn nữa, càng tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm này, chị càng thấy bối rối khi lựa chọn...
Thực tế trên thị trường hiện nay, các mặt hàng thuộc dạng TPCN hỗ trợ cho giấc ngủ được bán tại các nhà thuốc bán lẻ, đến quảng cáo và rao bán trên các trang mạng xã hội không ít. Các sản phẩm này được nhập khẩu (hoặc xách tay) từ Úc, Canada, Trung Quốc... và rất nhiều sản phẩm của các công ty trong nước... với quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị cho người bị mất ngủ lâu năm, tạo giấc ngủ sâu và thật hơn; giúp cải thiện trí nhớ và phục hồi sức khỏe nhờ ngủ ngon...
Cùng với đó là giá thành các sản phẩm cũng đa dạng, như chị Liên chia sẻ “khá là tốn kém”. Ví dụ như một hộp TPCN được quảng cáo nhập nguyên hộp (60v) từ Úc, có giá 990.000đ dùng trong một tháng. Hoặc một hộp 20v (ngày dùng 4v) giá thành 130.000đ (sản phẩm của công ty dược trong nước)... Một số sản phẩm có chứa thêm các vi chất như vitamin B, kẽm, magie... còn có giá thành cao hơn.
Theo DS.Bùi Sỹ Thành (Công ty dược Traphaco), người bệnh không nên quá trông chờ vào các sản phẩm này, bởi có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Để điều trị được bệnh, cần điều trị căn nguyên, bằng nhiều biện pháp như: cải thiện lối sống, giảm stress, tăng cường rèn luyện thể lực, tham gia các hoạt động tác động đến tinh thần vui vẻ... và dùng thuốc, kết hợp TPCN (nếu cần). Việc sử dụng thuốc Tây y hoặc Đông y đều phải được thầy thuốc có kinh nghiệm kê đơn sử dụng. Điều quan trọng là bệnh nhân cần kiên trì, không bỏ cuộc. Khi rối loạn giấc ngủ diễn ra nhiều năm, mạn tính, thì việc điều trị dù bằng biện pháp nào cũng rất khó khăn và khó có loại thuốc hay TPCN nào có thể chữa dứt điểm được bệnh.