Hà Nội

Bôi nghệ có hết sẹo không?

11-09-2024 07:15 | Thẩm mỹ

SKĐS - Nhiều người có thói quen bôi nghệ lên da với mong muốn trị sẹo, làm mờ vết thâm. Vậy bôi nghệ có hết sẹo không? Cần lưu ý gì khi bôi nghệ để đảm bảo hiệu quả?

1. Tác dụng của nghệ trong điều trị sẹo

Theo quan niệm dân gian, bôi nghệ sẽ giúp làm lành mọi vết thương, không để lại sẹo và vết thâm. Trong củ nghệ có chứa hàm lượng curcumin khá cao, có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa; vitamin E tạo lớp lá chắn bảo vệ sợi nguyên bào, kích hoạt quá trình đào thải hắc sắc tố và ức chế sự sản xuất melanin, giúp giảm thiểu đứt gãy collagen/elastin. Nhờ đó, sử dụng nghệ giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhanh chóng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan, chẳng hạn như sẹo.

Tuy nhiên, vitamin E và một số hoạt chất khác chứa trong nghệ tươi chỉ có tác dụng kích thích làm lành vết thương và hiệu quả đối với các vết thương nhỏ như trầy xước hoặc mụn trứng cá (khi da chỉ bị tổn thương ở bề mặt). Đối với các vết thương lớn, hiệu quả làm liền sẹo, giảm vết thâm của củ nghệ rất thấp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dị ứng với nghệ khá cao, có thể làm cho vết thương càng trở nên trầm trọng. Thời điểm dùng nghệ cần phải chú ý, nhất là ở những người có cơ địa dễ dị ứng. Nếu bôi nghệ không đúng sẽ làm loét vùng da non tại vết thương. Hơn thế, bôi nghệ vào vết thương chưa lên da non có thể làm vết sẹo sau này đen bóng lại. Khi đó, không những không còn tác dụng làm mờ mà nghệ còn tô đậm thêm vết sẹo.

Bôi nghệ có hết sẹo không?- Ảnh 1.

Bôi nghệ chỉ có tác dụng trị sẹo với các vết thương nhỏ như trầy xước hoặc mụn trứng cá.

2. Cách bôi nghệ trị sẹo

Đối với các vết thương nhỏ, nông có thể dùng nghệ để trị sẹo theo các cách dưới đây:

- Sử dụng nghệ tươi: Muốn dùng nghệ trị sẹo, cần chọn nghệ già có màu vàng sậm, rửa sạch thái lát mỏng. Sau khi vết thương khép miệng và khô, trực tiếp bôi nghệ tươi vào vết sẹo hàng ngày. Lưu ý không được bôi nghệ tươi vào những vết thương hở, vết thương còn đang chảy nước trên da.

- Sử dụng tinh bột nghệ:

+ Tinh bột nghệ và sữa chua: Trộn đều 1 muỗng tinh bột nghệ với 2 muỗng sữa chua không đường. Thoa hỗn hợp lên da và để yên trong 10 - 15 phút. Sau đó rửa sạch với nước, thực hiện 2 - 3 lần/ tuần.

+ Tinh bột nghệ và mật ong: Trộn tinh bột nghệ với mật ong theo tỷ lệ 1:1. Thoa hỗn hợp lên da, sau 10 - 15 phút thì rửa lại bằng nước, thực hiện 2 - 3 lần/ tuần.

Bôi nghệ có hết sẹo không?- Ảnh 2.

Muốn dùng nghệ trị sẹo, cần chọn nghệ già có màu vàng sậm.

3. Lưu ý khi bôi nghệ trị sẹo

Trước khi dùng nghệ để trị sẹo, cần làm sạch, loại bỏ hết các tạp chất ở vỏ củ nghệ rồi mới sấy khô, nghiền nhỏ. Trường hợp da nhạy cảm, không nên sử dụng nghệ tươi trực tiếp trên da. Nếu sử dụng bột nghệ, cần test một khoảng nhỏ ở vị trí da mỏng trước, nếu không có phản ứng thì mới dùng lên da mặt. Để đảm bảo an toàn, có thể dùng nghệ ở dạng chiết xuất trong các sản phẩm chăm sóc da đã được kiểm định và cấp phép.

Chỉ bôi một lượng nghệ vừa đủ, không nên bôi quá nhiều. Bôi quá nhiều không làm tăng tác dụng điều trị mà còn khiến màu vàng đậm mất thẩm mỹ và khó rửa sạch. Không nên bôi nghệ tươi qua đêm bởi vì nghệ lưu lại quá lâu trên da mặt ở diện rộng, da sẽ bị ửng đỏ và dễ kích ứng.

Không tự ý bôi nghệ tươi khi da còn non để hạn chế tác động lên sắc tố da, khiến vùng da bị sẹo thâm đen và bóng lên.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Các thực phẩm giàu kẽm giúp cải thiện làn da mụn | SKĐS

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Oanh
Ý kiến của bạn