Bôi kem làm trắng da chứa corticoid: Nguy hại khôn lường

09-06-2017 15:26 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mới đây, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM vừa công bố một sản phẩm kem làm trắng da có chứa clobetasol propinate.

Mới đây, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM vừa công bố một sản phẩm kem làm trắng da có chứa clobetasol propinate. Đây là một loại corticoid có tác dụng rất mạnh và đã bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm. Thế nhưng trên thực tế, để đáp ứng tâm lý khách hàng muốn có tác dụng ngay sau khi dùng sản phẩm, nhiều cơ sở đã trộn vào sản phẩm kem bôi da một lượng lớn corticoid này...

Những nạn nhân của corticoid

Một làn da trắng “ không tì vết” là niềm ước ao của tất cả phụ nữ, vì thế ai cũng cố gắng tìm cho mình sản phẩm hữu ích nhất để mong đạt được điều đó. Nhiều người tự ý mua những loại mỹ phẩm trôi nổi không nhãn mác, không tên tuổi để bôi da và bị tác dụng phụ đã đành, có những người dùng hàng xách tay được quảng cáo là “xịn” nhưng cũng lĩnh hậu quả vì quá lạm dụng.

Tổn thương da do dùng corticoid (ảnh BSCC).

Nguyễn Thị Ngọc Lan (25 tuổi, ở  Lục Ngạn, Bắc Giang) là  một điển hình của việc mua kem “xịn” mà vẫn mang vạ. Vì mong muốn có làn da trắng sáng, nghe có người mách bên tỉnh Hải Dương có người chuyên bán loại kem làm trắng da của Hàn Quốc có tác dụng trắng sáng chỉ trong hai tuần đầu tiên, Lan đã không quản ngại lặn lội sang tận nơi để mua sản phẩm về dùng. Mới dùng da Lan trắng sáng hẳn lên, thấy thế Lan càng bôi nhiều, liên tục. Thế nhưng sau một thời gian sử dụng Lan thấy ngứa rát, sẩn đỏ, mặt nổi nhiều mụn cứng thành cục, sau đó Lan cảm thấy khó chịu, mệt mỏi trong người và xuất hiện các vết loét ở chân, cô bắt buộc phải nhập BVĐK tỉnh Bắc Giang để điều trị. Tại BV, các bác sĩ cho biết, Lan bị biến chứng do lạm dụng corticoid, những người bị phụ thuộc vào corticoid rất dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, khó chịu, đau đầu, chân tay co quắp, đi lại khó khăn, rối loạn điện giải và nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong. Lan tâm sự, đây là một bài học đắt giá với cô. Vì thế, Lan cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người, nên tìm hiểu kỹ trước khi mua. Các sản phẩm mà được quảng cáo nhập từ nước ngoài cũng phải tìm hiểu kỹ kẻo không vừa mất tiền mua kem lại vừa mất tiền chữa bệnh...

Một trong những trường hợp điển hình của nhiễm corticoid mà báo chí nói gần đây là cô gái Thạch Thị Tha Ri ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Mới 29 tuổi nhưng nhìn khuôn mặt Tha Ri như bà lão 70. Cô cho biết, vào đầu năm 2015, khi đang mang thai đứa con thứ hai được 4 tháng thì cô thấy ngứa vùng mặt và vài chỗ trên cơ thể mọc các mụn li ti. Tha Ri ra hiệu thuốc tự ý mua một týp thuốc bôi giá 14.000đ, sau khi bôi các triệu chứng ngứa đỡ hẳn, da lại có phần sáng mịn. Thấy thế, Tha Ri cứ bôi 4 týp trong 3 tháng liên tục. Tuy nhiên sau đó, khuôn mặt cô ngày càng bị dày cứng, biến dạng. Tại bệnh viện, qua quá trình thăm khám, soi da và dùng các phương pháp thử, bác sĩ  kết luận Tha Ri bị chứng lão hóa do hậu quả của việc lạm dụng thuốc bôi có chứa corticoid.

Do lạm dụng corticoid khuôn mặt cô gái 29 tuổi giống như bà lão 70.

Dùng sai hại thân

Chia sẻ về câu chuyện thuốc trộn corticoid trong các sản phẩm làm đẹp da, PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng - Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam cho biết, câu chuyện về kem trộn trắng da có chứa corticoid đã nói cả chục năm nay, các bác sĩ cũng đã nhiều lần đưa ra lời cảnh báo, khuyến cáo, thậm chí cả những bằng chứng sống, nhưng tâm lý muốn làm đẹp siêu tốc đã khiến nhiều chị em bỏ ngoài tai. Theo đó, hàng ngày, tại BV Da liễu Trung ương các bác sĩ thường xuyên gặp những nạn nhân của loại kem trộn bôi có chứa corticoid. Bệnh nhân đến đây nhẹ thì mụn trứng cá, nặng thì mọc lông, rạn da, giãn mạch, có trường hợp teo da…

Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Nó dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận. Trên thị trường, các thuốc bôi ngoài da dạng kem (crème) hoặc mỡ (pommade) có chứa corticoid như cortibion, celestoderme, synalar, halog, hydrocortisone, flucinar... rất tốt dùng để trị một số bệnh ngoài da.

Tuy nhiên, theo PGS. Hưng, các loại corticoid bôi lâu ngày trên da sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi lên da mặt lâu ngày sẽ bị trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt. Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân làm tổn hại thận, hệ nội tiết...


Nguyễn Hồng
Ý kiến của bạn