1. Lợi ích của kem chống nắng
Tia UV có trong ánh nắng mặt trời gồm UVA và UVB có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho da, gây cháy nắng, lão hóa da và tăng nguy cơ ung thư da.
Kem chống nắng dùng để bôi lên da nhằm bảo vệ da khỏi bức xạ cực tím (UV) bằng cách hấp thụ và/hoặc phản xạ bức xạ này.
Khi được sử dụng theo chỉ dẫn, kem chống nắng có thể ngăn ngừa:
- Sạm da: Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các tế bào melanocytes sẽ tăng cường sản xuất sắc tố melanin để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tiếp xúc với ánh nắng càng lâu thì số lượng melanin tối màu sinh ra càng nhiều, có nghĩa là làn da sẽ trở nên sạm đen và thiếu sức sống.
- Da khô, bong tróc: Da khô cũng là một trong những tác hại của việc không dùng kem chống nắng. Theo đó, khi không thoa kem chống nắng, da sẽ bị tia UVA (chiếm 95% trong ánh nắng mặt trời) tấn công và kích thích sản xuất men tiêu hủy cấu trúc nền (MMPs). Khi được kích thích, loại men này sẽ phát triển và khiến phân tử giữ nước proteoglycans bị đứt gãy. Do phân tử nước đã bị tổn thương nên da cũng vì thế mà trở nên khô và dễ bong tróc.
- Da lão hóa, nhăn nheo: Bên cạnh phân tử giữ nước, men MMPs còn làm làm đứt gãy cả protein dạng sợi (collagen, elastin, laminin, fibronectin). Trong khi đó, protein dạng sợi rất cần thiết để da trông căng mọng, trẻ trung. Vì thế, da nhăn nheo, nhanh lão hóa cũng là hệ quả do việc không "phòng thủ" kỹ càng trước ánh nắng mặt trời.
- Da bị cháy nắng: Thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc quá nhiều với tia UV. Một vài ngày sau khi da bị cháy nắng, làn da sẽ bắt đầu bong tróc và ngứa là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng loại bỏ các tế bào bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Theo Tổ chức Ung thư da, mỗi vết cháy nắng đều là dấu hiệu làn da đang bị tổn thương, có thể dẫn đến da lão hóa sớm và ung thư da.
- Nám, tàn nhang: Nám và tàn nhang cũng là một trong những tác hại của việc không dùng kem chống nắng gây ra. Theo thời gian, melanin tối màu tích tụ càng dày đặc, các vết nám và tàn nhang sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, rõ rệt và khó để điều trị, đặc biệt là các vùng da như gò má, trán, cằm...
- Giảm nguy cơ ung thư da: Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, tia cực tím sẽ làm tổn thương DNA của tế bào da và gây ra các đột biến. Các tế bào bị đột biến này sẽ phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo thành một khối các tế bào ung thư da.
2. Cẩn trọng nguy cơ dị ứng kem chống nắng
Bên cạnh những lợi ích bảo vệ da kem chống nắng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Một số thành phần có trong kem chống nắng có thể gây kích ứng da đối với một số người, đặc biệt là những người có da nhạy cảm, da dễ nổi mụn.
Do nhiều loại kem chống nắng chứa các hợp chất hóa học như oxybenzone, avobenzone, octinoxate, và các thành phần khác đã được chứng minh là có thể gây kích ứng cho da một số người, đặc biệt là người có làn da nhạy cảm. Ngoài khả năng gây dị ứng cao, các hợp chất hoá học này ngày càng được chú ý vì khả năng gây rối loạn nội tiết và gây độc cho môi trường.
Một số kem chống nắng còn có chứa các chất phụ gia và hương liệu để tạo mùi hấp dẫn. Những thành phần này cũng có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm. Các triệu chứng của dị ứng da có thể khá đa dạng, nhưng nhìn chung có thể quan sát thấy bao gồm: Mẩn đỏ, kích ứng, cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát, nổi mụn nhỏ, cảm giác khô hoặc căng.
Những triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi sử dụng sản phẩm nhưng cũng có thể xuất hiện vài ngày sau hoặc thậm chí nhiều năm sau.
Vì vậy, để tránh kích ứng da khi sử dụng kem chống nắng, nên:
- Lựa chọn sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm nếu có làn da dễ bị kích ứng.
- Kiểm tra kỹ thành phần trước khi mua và chọn các sản phẩm không chứa các chất gây kích ứng.
- Thử nghiệm sản phẩm trên một vùng nhỏ của da trước khi sử dụng để kiểm tra có phản ứng bất thường hay không.
- Không sử dụng sản phẩm quá hạn. Nếu kem chống nắng đã hết hạn sử dụng, không nên tiếp tục sử dụng vì có thể không còn hiệu quả và gây tác dụng phụ.
- Tránh ánh nắng trực tiếp. Ngoài việc sử dụng kem chống nắng, cần đội mũ nón, áo che mặt và kính râm để bảo vệ da khỏi ánh nắng trực tiếp.
Trong quá trình sử dụng, nếu có bất kỳ triệu chứng kích ứng nào, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được tư vấn, xác định nguyên nhân gây kích ứng và điều trị kịp thời.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Nên đánh răng bao nhiêu lần 1 ngày? | SKĐS