Hà Nội

Bôi, đắp thuốc thảo dược chữa bệnh làm thế nào cho hiệu quả?

SKĐS - Thấy con trai 4 tháng tuổi bị mẩn đỏ, ngứa vùng mặt, một gia đình ở Ba Chẽ, Quảng Ninh đã tự ý lấy thuốc nam để đắp lên hai má con với hy vọng bé sẽ khỏi.


Thế nhưng bệnh đã không khỏi bé trai còn bị loét trợt, nề đỏ, chảy dịch nơi đắp lá.

Theo lời kể của gia đình. Từ nhiều ngày trước, bé xuất hiện nổi mẩn đỏ, ngứa vùng mặt. Người nhà đã dùng thuốc nam đắp lên hai bên má trẻ trong khoảng 1 tuần. Sau khi đắp thuốc nam, má trẻ xuất hiện loét trợt, phù nề, chảy nước. Trẻ khó chịu, quấy khóc.

Bé trai đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) để được cứu chữa. Tại đây các bác sĩ qua thăm khám cho biết hai má trẻ bị loét trợt, nề đỏ, chảy dịch do tự chữa viêm da tại nhà.

Nhiều người vẫn giữ quan niệm thuốc nam, thuốc đông y có nguồn gốc cây cỏ tự nhiên, an toàn, lành, không gây hại cho sức khỏe.

Một số bà con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thường có thói quen sử dụng thảo dược rừng để chữa bệnh, điều trị vết thương. Trên thực tế đã có rất nhiều tai biến xảy ra do người dân tự ý đắp, bôi các loại lá cây trị bệnh.

Bôi, đắp thuốc thảo dược chữa bệnh làm thế nào cho hiệu quả?- Ảnh 1.

Bé trai 4 tháng tuổi ở Quảng Ninh bị loét má do gia đình tự đắp lá chữa mẩn đỏ ở má.

Việc sử dụng thuốc thảo dược theo kinh nghiệm và chưa được kiểm chứng, không đảm bảo vệ sinh khi bôi, đắp vào các vị trí tổn thương như: Chân, tay, ngón tay, ngón chân… dẫn đến các vết thương bị hoại tử, có trường hợp bị nhiễm trùng, áp xe.

Hiện có rất nhiều loại cây có thể chữa được bệnh nhưng cũng gây độc hại cho sức khỏe con người nếu không sử dụng đúng bài thuốc.

Một số ít loại lá cây còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bụi bặm, vi trùng khiến các tổn thương nghiêm trọng hơn.

Trường hợp nào có thể bôi, đắp thuốc thảo dược để chữa bệnh?

Bôi, đắp thuốc thảo dược bản chất là một trong những phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền, nhưng mỗi phương pháp lại có những chỉ định, chống chỉ định, ưu điểm, nhược điểm riêng.

Một số bệnh, nhóm bệnh dưới đây khi áp dụng bôi, đắp lá sẽ đem lại hiệu quả điều trị như:

- Nhóm bệnh cơ xương khớp - thần kinh: Đau lưng cấp, đau vai gáy cấp, đau do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, bong gân không có vết thương hở, không có đứt dây chằng, viêm quanh khớp vai, tê bì chân tay...

- Nhóm bệnh ngoài da: Mụn nhọt, bỏng độ 1, chàm, vảy nến, viêm da cơ địa...

Bên cạnh đó việc dùng thảo dược để bôi, đắp sẽ có một số lưu ý và chống chỉ định như sau:

  • Người có cơ địa dị ứng, dễ bị mẩn ngứa mề đay không nên dùng.
  • Không bôi, đắp, rửa trực tiếp vào các vết thương hở dù nhỏ.
  • Có thể giã đắp xung quanh vết thương, không đắp vào các vết thương loét, chảy dịch.
  • Khi có các dấu hiệu tăng nặng cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hoặc đến cơ sở y tế thăm khám.
  • Trước khi dùng nên rửa sạch các vị thuốc, sát khuẩn sạch vị trí tổn thương.
  • Không dùng các vị thuốc có dấu hiệu hỏng, không rõ nguồn gốc.

Về nguyên tắc, bất kể tân dược hay đông dược đã là thuốc đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí gây ngộ độc với hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, người bệnh và người nhà bệnh nhân không nên chủ quan trước những vết thương nhỏ, đặc biệt đối với các chấn thương, tổn thương hở tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người có chuyên môn.

Bôi, đắp thuốc thảo dược chữa bệnh làm thế nào cho hiệu quả?- Ảnh 2.

Khi mắc bệnh người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế được cấp phép.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc tự ý sử dụng các loại lá thuốc, cây thuốc theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng hoặc những bài thuốc do người bốc thuốc không có chuyên môn, chẩn đoán không đúng bệnh sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm bệnh nghiêm trọng hơn, xuất hiện nhiều biến chứng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng như bội nhiễm, hoại tử vết thương, suy đa tạng, thậm chí nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, khi nhận thấy cơ thể có các triệu chứng bệnh hoặc bị tổn thương ngoài da, người dân cần đến các cơ sở y tế được cấp phép để khám tổng thể, đánh giá toàn diện. Có thể kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại để được chẩn đoán chính xác, tư vấn cụ thể và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Tránh tự ý đắp các loại lá cây không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, không đúng bệnh lên các vị trí tổn thương, nhất là đối với các vết thương hở.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nhiễm trùng cẳng tay do tự bó thuốc nam.


BS. Vũ Hồng
Ý kiến của bạn