Bôi cao dán của thầy lang chữa đái tháo đường, người đàn ông lở loét chân, chảy dịch hôi thối

12-08-2019 16:07 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, bàn chân phải của bệnh nhân tổn thương rất nặng, có 3 ổ loét đường kính từ 2 đến 4cm, xung quanh sưng nề, đỏ tím, nóng, chải dịch và mủ đục, bốc mùi khó chịu.

Các bác sĩ BVĐK Hà Đông vừa điều trị thành công cho bệnh nhân biến chứng bàn chân nặng do đái tháo đường gây ra.

Hiện nay bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đã trở thành căn bệnh khá phổ biến trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Trong đó, biến chứng loét chân do ĐTĐ là một biến chứng khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhập viện hàng đầu của người bị ĐTĐ.

Ngày 27/3/2019, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị biến chứng bàn chân nghiêm trọng. Đó là ông Nguyễn Văn V. (48 tuổi, ở tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng gầy sút, mệt mỏi, sốt cao liên tục, khát nước nhiều, tiểu nhiều.

Theo người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử ĐTĐ trong khoảng 7 năm trở lại đây (từ năm 2012) nhưng không đi khám mà tự dùng thuốc, không thường xuyên. Trước khi vào viện 1 tháng, bệnh nhân bị sưng, đau, loét và chảy dịch mủ vùng bàn chân phải. Sau đó, gia đình đã mua thuốc bột, cao dán do thầy lang bào chế về đắp vào vết loét, tuy nhiên vết loét không thuyên giảm mà ngày càng nặng lên.

Vết thương đáng sợ ở bàn chân bệnh nhân đái tháo đường.

Sau khi thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy tại chỗ bàn chân phải tổn thương rất nặng, có 3 ổ loét đường kính từ 2 đến 4cm, xung quanh sưng nề, đỏ tím, nóng, chải dịch và mủ đục, bốc mùi khó chịu. Tiến hành vệ sinh sạch tổn thương bề mặt, kiểm tra tổn thương thấy hoại tử lan tỏa ½ bàn chân phải, lộ gân, màng xương tại các ổ loét.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng, tiến triển nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới phải cắt đoạn chi, với nguyên tắc điều trị cố gắng bảo tồn tối đa, các bác sĩ đã tiến hành điều trị bằng thuốc kiểm soát đường huyết, sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Đồng thời nhanh chóng cắt lọc các tổ chức hoại tử, làm sạch tổn thương sau đó băng bó bằng gạc vô trùng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân được tích cực chăm sóc vết thương hàng ngày, hướng dẫn tập vận động để tránh loét tái phát, loét tì đè sau cắt lọc. Ngoài ra, bệnh nhân và người nhà được hướng dẫn về chế độ ăn bệnh lý để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho quá trình điều trị.

Sau 03 tháng điều trị nội khoa tích cực, các vết loét đã sạch và phát triển tốt, các bác sĩ khoa Nội tiết đã hội chẩn với khoa Ngoại chấn thương để tiến hành ghép da tự thân cho bệnh nhân. Sau 7 ngày, vùng ghép da sống và liền tốt, vùng loét bàn chân đã được bảo tồn, phục hồi. Bệnh nhân được xuất viện và điều trị ngoại trú.

BSCKI. Đinh Văn Tuy và điều dưỡng Đặng Thị Nga thăm khám cho bệnh nhân, vùng chân tổn thương đã phục hồi tốt.

Theo các bác sĩ, biến chứng bàn chân dẫn đến hoại tử, thậm chí phải cắt đoạn chi ở người bệnh ĐTĐ đang báo động tại Việt Nam. Người bệnh ĐTĐ lâu năm nếu không kiểm soát đường huyết tốt sẽ dẫn đến biến chứng trên động mạch ngoại biên và thần kinh ngoại biên. Từ đó, bàn chân dễ bị tổn thương và nhiễm trùng gây nên biến chứng bàn chân ĐTĐ. Đồng thời, đường cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, cộng thêm hệ miễn dịch của người tiểu đường bị suy giảm càng khiến vết loét khó lành, dễ nhiễm trùng hơn.

Chia sẻ về ca bệnh này, BSCKI. Đinh Văn Tuy - Trưởng đơn nguyên Nội tiết cho biết: “Bệnh nhân Nguyễn Văn V. nhập viện trong tình trang tương đối nghiêm trọng với các vết loét diễn tiến nặng ở vùng bàn chân nhưng do tự điều trị tại nhà bằng phương pháp đắp các loại thuốc vào vị trí loét khiến cho vết thương lan rộng nhanh chóng, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn tới phải cắt cụt chi để đảm bảo tính mạng. Nhờ được điều trị theo đúng chỉ định nên bệnh nhân may mắn qua khỏi”.

Bên cạnh đó, bác sĩ Tuy cũng đưa ra khuyến cáo: Việc chăm sóc bàn chân là một trong những vấn đề quan trọng trong việc điều trị ĐTĐ bên cạnh việc kiểm soát đường huyết và các biến chứng khác. Lưu ý thêm là người bệnh cần được thăm khám, đánh giá tầm soát biến chứng bàn chân ĐTĐ định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết.


Thanh Tú
Ý kiến của bạn