“Bôi bẩn” di tích: Hệ quả của ý thức kém

04-12-2015 14:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều di tích, di sản lâu đời với lối kiến trúc vô cùng độc đáo. Trong khi chúng ta ra sức gìn giữ và bảo vệ kho tàng văn hóa của dân tộc thì một bộ phận trong giới trẻ đang “đi ngược chiều”. Hiện tượng phá hoại các di tích lịch sử bằng cách viết, vẽ bậy đang xuất hiện ở khắp nơi.

Thực tế hiện nay cho thấy, một số bạn trẻ hiện nay rất coi thường những công trình văn hóa lịch sử, làm những việc vi phạm nếp sống văn minh như khắc tên mình vào cổng, lên tường các di tích lịch sử. Hành động thiếu ý thức này đã và đang làm xấu những di tích hàng trăm năm tuổi.

Những người thiếu ý thức đi đến đâu đều để lại “dấu ấn” tại đó.

Không chỉ xảy ra ở các di tích lịch sử, văn hóa. Ở bất cứ nơi đâu, chúng ta dễ dàng bắt gặp hiện tượng vẽ bậy, viết chữ, vẽ những biểu tượng rất khó chấp nhận. Chúng xuất hiện tại những trạm chờ xe buýt, những bức tường, cửa sắt mặt tiền nhà dân, tường rào công sở..., các công trình công cộng khác cũng đang gặp tình trạng tương tự. Hầu hết hình vẽ, chữ viết nêu trên không thể hiện nội dung rõ ràng và rất khó tẩy xóa. Đó có thể là hình ảnh của một con vật; có khi là một bức tranh với nhiều mặt người trông rất dữ tợn; bên cạnh đó là những hình ảnh bạo lực, ma quái...

Và tất nhiên, di tích lịch sử thì người trẻ cũng không "ngán". Hiện tượng viết, vẽ bậy đã trở nên quá quen thuộc tại các ngôi chùa cổ trên cả nước. Điển hình, chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân thuộc xã Vinh Hiền (Phú Lộc) - một danh thắng quốc gia, từng được vua Thiệu Trị liệt vào danh sách 20 thắng cảnh đất Kinh kỳ, nhiều năm trở lại đây cũng đã xấu xí đi ít nhiều bởi hiện tượng bôi bẩn.

Có thể nói, quần thể công trình Quốc tự, gồm chùa-gác-tháp thì tháp Điều Ngự là nơi được du khách thích thú nhất khi tham quan điểm di tích này. Nhưng gần đây, bức tường của tháp và đặc biệt là Tiến Sảng đình (công trình phía sau tháp) bị những người thiếu ý thức bôi bẩn. Mặt trong và ngoài bức tường Tiến Sảng đình chi chít những chữ ký hiệu, hình vẽ và thậm chí có những ngôn từ phản cảm. Nhiều người còn trèo lên cả trần nhà của công trình này để... thể hiện "tác phẩm" của mình. Đáng nói, khi bức tường dày đặc những ký hiệu, hình vẽ, nhiều cá nhân còn dùng những vật cứng đục khắc chữ làm tróc cả lớp sơn. Ở tháp Điều Ngự, nhiều hình vẽ hình trái tim từ lớn đến nhỏ và tên riêng phủ trên tường. Các gốc cây cổ thụ trên đường lên tháp cũng không được... tha, họ khắc chữ khắp thân cây. Đa phần những ký tự trên các bức tượng là những dấu tích kỷ niệm của cá nhân hoặc tập thể khi đến tham quan quốc tự... Nói chung, những người thiếu ý thức đi đến đâu đều để lại "dấu ấn" tại đó.

Pháp luật Việt Nam đã có chế tài để xử phạt đối với hành vi bôi bẩn di tích, nơi công cộng, song việc phát hiện, bắt quả tang các đối tượng là điều không đơn giản. Hơn nữa, nếu các di tích không thuộc quyền quản lý của địa phương thì rất khó để ngăn chặn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt nặng thì điều quan trọng là chúng ta cần xây dựng, hình thành ở mọi người, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên ý thức văn hóa, lối sống văn minh, ý thức trách nhiệm gìn giữ, biết trân trọng, và có ý thức bảo vệ những công trình văn hóa. Để giới trẻ không có những hành động tự phát để bảo vệ di tích, các cơ quan chức năng cần tập hợp họ, định hướng cho họ để cùng phát hiện, đấu tranh, phê phán hành động thiếu văn hóa của những người trẻ khác.

Thiết nghĩ, để diệt tận gốc dịch bệnh bôi bẩn di tích lịch sử, văn hóa nói riêng, các công trình trong đời sống xã hội nói chung, chúng ta cần có biện pháp giáo dục, tuyên truyền sâu rộng hơn về vấn đề giữ gìn vẻ đẹp của những di tích có giá trị lịch sử văn hóa vào nhà trường, địa phương và nâng cao nhận thức trong cộng đồng.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn