Hà Nội

Bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản, thu nhập cần tránh để "sót" lãnh đạo

03-09-2022 08:18 | Thời sự
google news

Theo đại biểu Quốc hội, cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện hàng năm nhưng công tác xác minh không được thực hiện thường xuyên.

Theo quy định tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hình thức xác minh tài sản và thu nhập của cán bộ sẽ được cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh thông qua bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Trước việc Hà Nội thực hiện việc xác minh bốc thăm để xác minh tài sản của 10% cán bộ/đơn vị, có nhiều ý kiến băn khoăn về sự "may, rủi".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đang rất quyết liệt, nhằm phòng ngừa răn đe để cho viên chức, cán bộ từ trung ương đến cơ sở không vi phạm pháp luật.

Hoạt động góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực không thể không nói đến việc kê khai và xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ. Tuy nhiên, nhiều địa phương không thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xác minh.

"Hàng năm cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều phải thực hiện. Tuy nhiên, việc xác minh chỉ diễn ra khi có vụ việc tố cáo hoặc phát hiện hành vi tham nhũng của cán bộ. Đây là một lỗ hổng rất lớn, ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vì vậy cơ quan chức năng phải thực hiện xác minh thường xuyên hơn", ông Hòa nhấn mạnh.

Bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản, thu nhập cần tránh để "sót" lãnh đạo - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Về việc Hà Nội tổ chức bốc thăm để xác minh tài sản của cán bộ, Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với hình thức tổ chức của Thủ đô.

Với việc xác minh 10% số lượng cán bộ thuộc diện xác minh, ông Hòa nhận định, trong thực tế có nhiều người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, trong khi đó đội ngũ cán bộ xác minh mỏng nên không thể xác minh hết được. Bởi vậy, nếu thực hiện việc xác minh đều đặn hàng năm với 10% cán bộ trong một đơn vị, thì vài năm sẽ xác minh được tất cả tài sản của tất cả cán bộ thuộc diện kê khai.

Tuy nhiên, nếu cần thiết cơ quan thanh tra có thẩm quyền đi xác minh với những đối tượng khác nữa, không nhất thiết phải thực hiện thanh tra 10% số lượng của một đơn vị.

“Cơ quan thanh tra được pháp luật cho phép quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, nên nếu thấy dấu hiệu sai phạm, kê khai gian dối, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc”, ông Hòa cho hay.

Theo Đại biểu Hòa, việc xác minh cần được thực hiện với các cán bộ phụ trách những lĩnh vực “nhạy cảm” dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Từ đó sẽ tạo ra tác động rất lớn, để sau đó chúng ta có những đánh giá, tổng kết giúp cho đội ngũ công chức, viên chức không dám tiêu cực.

Về quan điểm nên công khai kê khai tài sản của cán bộ tại địa phương họ sinh sống, ông Hòa cho rằng, việc kê khai tài sản hằng năm đều là công khai, nên ai muốn tìm hiểu thông tin kê khai của cán bộ có quyền yêu cầu xem.

“Người dân cũng khó để biết hết thông tin về tài sản của cán bộ. Với việc kê khai không trung thực, thiếu sót, cần phải có Nghị định cụ thể để xử lý tài sản kê khai còn thiếu”, ông Hòa đề nghị.

Xác minh 10% cán bộ/đơn vị cần tránh để "sót" lãnh đạo

Việc tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên một số cán bộ, công chức để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của Hà Nội là phù hợp với quy định pháp luật. Hà Nội cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo những người được lựa chọn đại diện và phản ánh đúng bộ máy hành chính của Thủ đô.

Chẳng hạn như số người được chọn là 10%, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Điều này thể hiện sự nỗ lực phòng chống tham nhũng của các cấp lãnh đạo Hà Nội.

Bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản, thu nhập cần tránh để "sót" lãnh đạo - Ảnh 2.

Luật sư Trương Anh Tú

Tuy nhiên, cơ chế lựa chọn cần được tiến hành công khai, minh bạch, có sự giám sát của công dân.

"Số lượng người được xác minh là 10%, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Con số này cần được đánh giá một cách cẩn trọng, tránh tình trạng số lượng cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo quá ít, không thể hiện đúng cơ cấu tổ chức của bộ máy hành chính.

Trên thực tế, các vụ án tham nhũng thường có "bàn tay" của các cán bộ thoái hóa, biến chất nắm vị trí lãnh đạo, chỉ đạo trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện. Vì vậy, cần hết sức lưu ý về điểm này", Luật sư Trương Anh Tú - Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, cần lưu ý cả vấn đề khác được đặt ra, đó là song song với việc xác minh tài sản, thu nhập cán bộ, công chức một cách ngẫu nhiên, cần xây dựng cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung của tất cả cán bộ, công chức lẫn người thân (cha, mẹ, con, vợ, chồng,….) của họ. Nhiều nước đã và đang tiến hành công việc này một cách hiệu quả.

Chúng ta cũng rất cần quan tâm và triển khai công việc này một cách hợp lý trên thực tế. Tránh tình trạng xác minh mang tính hình thức, bỏ lọt người vi phạm, không thu hồi được tài sản tham nhũng do đã chuyển nhượng cho người thân,… Như vậy mới có thể phòng và chống tham nhũng một cách triệt để và có hiệu quả.

Luật sư Tú chia sẻ thêm, việc Hà Nội và một số địa phương tiến hành xây dựng và ban hành quy định quy định bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là phù hợp với quy định Luật phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phần mềm máy tính để lựa chọn ngẫu nhiên một hoặc nhiều đối tượng không còn là mới.

Phần mềm máy tính có thể giúp làm hạn chế sự can thiệp của con người, đảm bảo tính khách quan cho việc lựa chọn ngẫu nhiên. Vấn đề đặt ra là phần mềm máy tính nào sẽ được sử dụng, có đảm bảo về mặt chất lượng và tính vô tư, khách quan hay không. Việc này cần dựa vào đánh giá và tham mưu của các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực tin học.

"Nếu phần mềm máy tính đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, việc sử dụng phần mềm máy tính để lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập là hoàn toàn đảm bảo tinh thần khách quan, minh bạch của Nghị định 130/2020/NĐ-CP và Luật Phòng chống tham nhũng", Luật sư Tú cho hay.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

Quốc Khánh 2/9: Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa, người dân rộn ràng vui Tết Độc Lập


Theo Giáo dục
Ý kiến của bạn