Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 có những ưu và nhược điểm gì?

07-10-2024 06:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) cho rằng, phương án bốc thăm môn thứ 3 có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

Mới đây, Bộ GD&ĐT xin ý kiến các địa phương về dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT thay cho thông tư hiện hành. Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, kỳ thi vào lớp 10 tại các tỉnh thành sẽ thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới. Môn thi được bốc thăm công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Sau đề xuất này đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Ý kiến đồng tình với lý do tránh học sinh học tủ, học lệch các môn ở THCS. Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng phương án này quá áp lực và tốn kém cho phụ huynh, học sinh.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) cho rằng, phương án bốc thăm môn thứ 3 có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.

Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 có những ưu và nhược điểm gì?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại Hà Nội.

Theo thầy Tùng, về ưu điểm, phương án này sẽ thống nhất được số môn thi trên cả nước, tránh lãng phí nguồn lực con người và kinh phí khi có nơi thi tới 4, 5 môn. Phương án cũng tránh việc học sinh chỉ học đúng 3 môn và nhà trường chỉ tập trung cao độ dạy đúng 3 môn, khiến cho học sinh không được giáo dục toàn diện. Học sinh sẽ phải học đều tất cả các môn tới hết chương trình. Việc bốc thăm môn thứ 3 cũng tránh được những xì xào của dư luận về việc ưu ái môn nọ, môn kia.

"Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là việc bốc thăm và công bố môn thi thứ 3 muộn có thể sẽ tạo áp lực cho một nhóm phụ huynh và học sinh vùng đô thị, nơi mà tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10 công cao".

Nếu được lựa chọn, theo thầy Tùng sẽ chọn thi 3 môn Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ. Việc thi ngoại ngữ vào lớp 10 cũng góp phần nâng dần năng lực ngoại ngữ cho học sinh ở các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Còn cô Vũ Phương Thúy - giáo viên một trường THCS tại Việt Trì (Phú Thọ) lại cho rằng không có phương án nào là hoàn hảo. "Kỳ thi lớp 10 lâu nay vốn rất căng thẳng. Việc công bố môn thi thứ 3 sau bốc thăm ngẫu nhiên vào cuối tháng 3 hàng năm là quá muộn sẽ làm học sinh lo lắng, hồi hộp, từ đó tạo áp lực không tốt đối với thí sinh. Hơn nữa, nếu không biết môn thi thứ 3 là môn gì thì học sinh có thể sẽ đi học thêm tất cả các môn sẽ càng thêm áp lực và tốn kém".

Tuy nhiên, theo cô Thuý, nếu thi cố định 3 môn Toán, Văn và ngoại ngữ cũng sẽ có tác hại lâu dài là khiến các con xem nhẹ các môn học khác, phân biệt môn chính, môn phụ. "Học sinh được chọn môn học cho phù hợp với năng lực, sở trường ngay từ lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp. Do vậy, nhiều em sẽ không học Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trường hợp thi vào 10 mà không có các môn này e rằng từ lớp 8 hoặc lớp 9 các em sẽ không học, dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng về kiến thức phổ thông ở lĩnh vực khoa học tự nhiên. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển khoa học - công nghệ của đất nước".

Cô Thúy cho biết thêm, dù ở bất kỳ phương án nào, Bộ GD&ĐT cũng nên công bố sớm nhất có thể để phụ huynh, học sinh, giáo viên có thời gian ổn định tâm lý, ôn tập kỹ lưỡng.

Hiện dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD&ĐT vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến và có thể được điều chỉnh trước khi áp dụng chính thức.

Bộ GD&ĐT đề xuất bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ ba vào lớp 10Bộ GD&ĐT đề xuất bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ ba vào lớp 10

SKĐS - Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các địa phương, trường học về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn