Bọc răng sứ, những cảnh báo đáng lưu ý

28-01-2023 07:20 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngày nay, trước yêu cầu cái đẹp ngày càng cao, nhiều người đã không ngại ngần bỏ hàng trăm triệu để tân trang hàm răng của mình bằng cách bọc sứ.

Bọc răng sứ: Những cảnh báo hết sức đáng lưu ý - Ảnh 1.

Hiện nay, việc bọc răng sứ khá phổ biến, và trở thành xu hướng ở Việt Nam


Tuy nhiên, việc chưa hiểu biết tận tường về công nghệ này cũng như đặt niềm tin vào những bác sĩ không đủ chuyên môn đã khiến nhiều người phải chịu những hậu quả vô cùng nặng nề bởi việc bọc răng sứ.

Hậu quả khôn lường

TS Nguyễn Phú Hòa – Giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Phục hình răng, Viện Đào tạo Răng – Hàm – Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội - bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm - Mặt cho hay hiện nay, việc bọc răng sứ khá phổ biến, và trở thành xu hướng ở Việt Nam. Rất nhiều trường hợp sẵn sàng mài hết răng để bọc răng sứ. Và chỉ sau đó 1 tuần, thậm chí là vài ngày là có bộ răng đẹp…

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoà tác hại của việc bọc răng sứ này thì… khôn lường. Thực tế, không ít người đã phải hối hận khi quyết định bọc răng sứ do không tìm hiểu kỹ, hoặc quá mong muốn làm đẹp răng. Có rất nhiều trường hợp bị biến chứng do bọc răng sứ như sưng phù vùng mặt, gây đau nghiêm trọng; viêm tuỷ nặng gây đau đớn, ảnh hưởng xương hàm gây hỏng cả chức năng ăn nhai…, và thậm chí có trường hợp bị ăn rỗng hết cả xương hàm nên thực hiện thủ thuật phẫu thuật xử lý…          

Trường hợp nào nên làm răng sứ?

Chuyên gia nha khoa Phú Hòa khuyến cáo: Răng cũng giống như cái cây. Khi cây bị bóc vỏ, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ. Còn răng khi bị mài giũa, tàn phá, hậu quả vô cùng nặng nề. Cụ thể: Nếu mài nhiều quá sẽ bị diệt tủy răng, mài vào tủy dẫn đến biến chứng tủy tạo thành nang trong xương hàm hoặc bị tiêu xương, viêm lợi.

"Thực tế, có trường hợp nang ăn sát vào chân mũi bác sĩ cũng không dám phẫu thuật vì sợ ảnh hưởng đến các bộ phận khác và nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Có ca bị áp xe răng, viêm tủy cấp, bởi khi lấy hết tủy răng sẽ bị khô cằn và chết. 

Không chỉ vậy, bản thân răng có các dây thần kinh, khi bọc lớp răng nhân tạo, chắc chắn răng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều bác sĩ tư vấn cho khách hàng, bệnh nhân: "Răng giả cũng như răng thật" là không chính xác, không có lương tâm. Bất cứ phương pháp làm răng nào cũng đều có biến chứng." – Bác sĩ  Hòa khẳng định.

 "Trước khi quyết định bọc răng sứ, khách hàng phải nhận biết được đầy đủ nguy cơ của việc bọc răng sứ như thế nào, tác hại cụ thể ra sao, hậu quả nặng nề như thế nào… Việc bọc răng sứ phải được làm từng bước theo đúng quy chuẩn. Trường hợp răng khấp khểnh thì phải áp dụng các biện pháp chỉnh nha xong mới tiến hành làm, chứ không phải cứ đè bệnh nhận ra mà mài"- BS Hoà nói. 

Theo bác sĩ Nguyễn Phú Hòa, các trường hợp nên làm răng sứ bao gồm: Răng bị vỡ, sứt hoặc men răng yếu. Tuy nhiên, trước khi phục hồi hình thể của răng phải xử lý các bệnh lý về răng mới tiến hành làm. Những bệnh nhân muốn bọc răng sứ do răng bị xỉn màu do dùng thuốc Tetaxilin thì bác sĩ xử lý phải tiết kiệm tối đa tủy răng cho bệnh nhân.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở nha khoa chuyên nghiệp, uy tín, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo để đảm bảo an toàn và chăm sóc tốt nhất.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

5 sai lầm nghiêm trọng khi giải rượu cho người say | SKĐS

 


Hà Anh
Ý kiến của bạn