"Giải cứu" bàng quang khỏi viên sỏi khủng, dính chặt
Gần 40 năm khám chữa bệnh trong lĩnh vực thận, tiết niệu, Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên - Trưởng Khoa Ngoại thận, tiết niệu - Bệnh viện Thu Cúc cho biết đã gặp không ít ca bệnh khó với tình trạng sỏi đặc biệt phức tạp do không được điều trị kịp thời. Ca phẫu thuật mổ mở lấy viên sỏi bàng quang "khủng" cho một bệnh nhân nam đến từ Bắc Ninh vừa qua là 1 trong những trường hợp điển hình. Không chỉ có kích thước lớn, chiếm gần hết chu vi bàng quang, sỏi của bệnh nhân này còn bám chặt vào niêm mạc gây nhiều khó khăn cho ê kíp mổ.
Bệnh nhân Đ.X.T (Bắc Ninh) được chẩn đoán sỏi bàng quang tái phát khi đến khám tại Bệnh viện Thu Cúc. Trước đó, anh Đ.X.T từng có tiền sử bị sỏi bàng quang và đã phẫu thuật 1 lần để loại bỏ sỏi. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, nghĩ sỏi đã hết nên anh T không đi tái khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Theo bác sĩ Huyên, trong quá trình thăm khám, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy viên sỏi có kích thước rất to, chiếm gần hết bàng quang. Đặc biệt, ngoài kích thước lớn, viên sỏi còn bám dính rất chặt vào niêm mạc của bàng quang. Sỏi lớn khiến bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu dai dẳng và tái đi tái lại không khỏi.
Nhận định trường hợp của anh T, do sỏi to lại bám dính chặt vào niêm mạc rất phức tạp nên các phương pháp tán sỏi nội soi không thể thực hiện hiệu quả được, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật mổ mở để lấy sỏi. Tuy nhiên cuộc phẫu thuật lấy sỏi cũng rất "gian nan".
"Quá trình phẫu thuật khá khó khăn, phải sử dụng các kỹ thuật khéo léo để "gỡ" viên sỏi ra sao cho an toàn nhất, đảm bảo không làm tổn thương chức năng của bàng quang. Do sỏi to và dính quá chắc vào niêm mạc nên nếu không biết cách xử lý sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tiết niệu" - Bác sĩ Huyên cho biết.
Ê kíp phẫu thuật đã hoàn thành cuộc mổ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, lấy thành công viên sỏi ra khỏi bàng quang của bệnh nhân. Hiện tại, sau phẫu thuật sức khỏe anh Đ.X.T đã ổn định, chức năng bàng quang được đảm bảo, phục hồi phục tốt. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi 1 thời gian là có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
Sỏi tiết niệu nên được can thiệp sớm
Bi sỏi tiết niệu là 1 trong những bệnh lý rất phổ biến và có thể gây nhiều vấn đề cho sức khỏe. Sỏi có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo… Nhẹ thì sỏi có thể gây đau, viêm đường tiết niệu… ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống, trường hợp nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như ứ nước thận, giãn đài bể thận, suy thận thậm chí phải bỏ thận…
Theo bác sĩ Huyên, nếu được phát hiện sớm, kích thước sỏi nhỏ thì việc điều trị rất đơn giản, ít tốn kém. Hiện nay có nhiều phương pháp tán sỏi công nghệ cao hiện đại, ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, tán sỏi nội soi ống mềm, tán sỏi qua da. Các phương pháp này đều đang được áp dụng thành công giúp rất nhiều người bệnh "thoát sỏi" mà không cần mổ mở tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Do kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nên ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh, tránh được những tổn thương hệ tiết niệu và người bệnh cũng sẽ không đau đớn.
Tuy nhiên, những trường hợp để lâu ngày, sỏi quá to, viêm dính… sẽ trở nên phức tạp và thường sẽ cần can thiệp bằng mổ mở. Không chỉ tốn kém, khó khăn trong việc điều trị mà còn có nguy cơ đe dọa sức khỏe người bệnh, ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiết niệu. Do đó, khi phát hiện sỏi, nên điều trị kịp thời để tránh những hệ lụy không mong muốn.
Bên cạnh đó, bác sĩ Huyên cũng cho biết, sỏi tiết niệu cũng rất dễ tái phát, do đó, dù đã loại bỏ sỏi thành công, người bệnh cũng cần thăm khám, kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị sỏi.