Bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh

21-09-2019 19:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Bốc hỏa kháng trị khi các cơn bốc hỏa tái diễn mặc dù đã sử dụng estrogen đúng liều.

Bốc hỏa kháng trị

Bốc hỏa kháng trị khi các cơn bốc hỏa tái diễn mặc dù đã sử dụng estrogen đúng liều.

Bước đầu tiên là xác định xem họ đang dùng thuốc gì có thể làm giảm sự hấp thu của estrogen (ví dụ: kháng sinh phổ rộng) hoặc thuốc có thể làm tăng hoạt động của enzym gan và do đó làm tăng chuyển hóa estrogen (ví dụ: barbiturat, thuốc chống co giật hoặc thuốc an thần). Ngừng hoặc thay thế các thuốc này có thể hữu ích.

Ngoài ra, việc thay đổi đường dùng estrogen từ dạng uống sang dạng thẩm thấu qua da có thể kiểm soát cơn bốc hỏa do không chuyển hóa qua gan. Tuy nhiên, không có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng để hỗ trợ phương pháp này.

Thêm vào đó, cũng cần xem xét đến các nguyên nhân khác có thể gây nên cơn bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi ban đêm như: cường giáp, bệnh ác tính tiềm ẩn, nhiễm trùng và SSRIs.

phụ nữ mãn kinhBước đầu tiên là xác định xem họ đang dùng thuốc gì có thể làm giảm sự hấp thu của estrogen

Cuối cùng, đối với những phụ nữ đang dùng liều rất cao của estrogen nhằm ngăn chặn các cơn bốc hỏa thì thử dừng estrogen hoàn toàn trong 1 - 2 tuần và sau đó bắt đầu lại ở liều bình thường có thể hiệu quả. Điều này sẽ cho người phụ nữ có cơ hội để so sánh mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa khi dùng và ngưng estrogen. Nếu ngưng sử dụng estrogen là có lợi thì điều đó có thể giúp họ chịu đựng tốt hơn.

Phối hợp bazedoxifene và estrogen liên hợp (biệt dược: Duavee)

Bazedoxifene là một loại điều biến thụ thể estrogen chọn lọc. Duavee là thuốc đầu tiên được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận trong điều trị bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh và phòng ngừa loãng xương (FDA, 2013). Bazedoxifene có tác dụng đồng vận estrogen lên xương và đối vận estrogen trên mô tử cung. Tác động của nó trên mô vú là trung lập, nhưng đang được nghiên cứu thêm. Theo lý thuyết, sự kết hợp này sẽ làm giảm các triệu chứng thiếu hụt estrogen, trong khi có thể tránh được tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) và chất ức chế tái hấp thu serotonin - norepinephrine (SNRIs)

Tác dụng quan trọng nhất của nhóm thuốc này là tạo điều kiện cho serotonin phát huy hiệu lực nhờ ức chế rất đặc hiệu quá trình tái hấp thu serotonin ở màng tế bào thần kinh. Đây là nhóm thuốc chống trầm cảm thông dụng nhất và thường dùng điều trị các rối loạn như: nghiện rượu, chứng chán ăn, rối loạn nhân cách giới hạn, chứng cuồng ăn, rối loạn tính khí, bốc hỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng bách, hoảng loạn, rối loạn stress sau chấn thương, xuất tinh sớm, hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn lo sợ xã hội. Ngoài ra, chúng còn làm giảm các triệu chứng vận mạch và là một trong những lựa chọn đầu tay ở những phụ nữ không dùng estrogen.

phụ nữ mãn kinhViệc thay đổi đường dùng estrogen từ dạng uống sang dạng thẩm thấu qua da

Liều thấp paroxetine (biệt dược: Brisdelle) là thuốc duy nhất trong nhóm này được FDA phê duyệt để điều trị bốc hỏa. Brisdelle chứa 7,5mg paroxetine và được dùng mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ.

Các thuốc SSRIs khác cũng được chứng minh có hiệu quả hơn giả dược trong điều trị bốc hỏa như venlafaxine (Effexor) và escitalopram (Lexapro).

Tác dụng không mong muốn: SSRIs nói chung được dung nạp tốt và hầu hết các tác dụng phụ là thoáng qua. Tăng serotonin trong hệ thần kinh trung ương là nguyên nhân của một số tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của SSRIs, bao gồm: chán ăn, đau đầu, buồn nôn và rối loạn chức năng tình dục.

Ung thư vú và SSRIs: SSRIs phải được sử dụng thận trọng ở phụ nữ bị ung thư vú được điều trị hỗ trợ bằng tamoxifen vì SSRIs làm giảm sự chuyển hóa tamoxifen thành dạng hoạt động nhất của nó là endoxifen, bằng cách ức chế các enzym cytochrome P450, CYP2D6. Sắp xếp theo tiềm năng ức chế CYP2D6 từ cao đến thấp như sau: paroxetine, fluoxetine, sertraline, citalopram và venlafaxine. Tác động của các chất này lên sự tái phát hay tiếp diễn ung thư vú vẫn còn chưa rõ. Chỉ sử dụng SSRIs để điều trị các cơn bốc hỏa cho phụ nữ bị ung thư vú có dùng chất ức chế aromatase hoặc không điều trị bổ trợ.

Gabapentin

Cơ chế hoạt động chính xác của gabapentin vẫn chưa rõ. Nó có thể vượt qua hàng rào máu não và bắt chước các hiệu ứng sinh lý của chất dẫn truyền thần kinh gamma-aminobutyric acid (GABA). Gabapentin được chấp nhận cho việc điều trị các rối loạn co giật và đau dây thần kinh sau Herpes, nhưng đã được sử dụng off-label cho những chỉ định khác, đặc biệt trong việc giảm tần số các cơn bốc hỏa.

Gabapentin (biệt dược: Neurotin) liều 300 - 600mg trước khi đi ngủ là khá hữu ích cho việc làm giảm các cơn bốc hỏa về đêm nhờ tác dụng gây ngủ và tác dụng giảm rối loạn vận mạch của gabapentin. Nói chung, các cơn bốc hỏa vào ban ngày ít gây khó chịu cho bệnh nhân và gabapentin có thể chỉ cần thiết vào ban đêm. Phác đồ này cũng giảm thiểu các tác dụng phụ của gabapentin gặp vào ban ngày.

phụ nữ mãn kinhCây thiên ma

Progestin

Progestin đơn độc có thể ức chế tiết gonadotropin và tăng hoạt động peptide opioid nội sinh ở vùng dưới đồi. Liều cao của progestin (so với liều trong liệu pháp thay thế hoóc-môn) dường như có hiệu quả điều trị bốc hỏa.

Megestrol acetate là một progestin tổng hợp được dùng chủ yếu trong điều trị ung thư vú. Với liều uống 20 - 80mg hàng ngày, nó làm giảm tần số của các cơn bốc hỏa 85% (so với giả dược là 21%). Tăng cân (chủ yếu là chất béo) là tác dụng không mong muốn chủ yếu khi điều trị kéo dài; và một trong những lo ngại là megestrol acetate có hoạt tính như glucocorticoid, vì vậy, suy thượng thận có thể xảy ra sau khi ngừng thuốc.

Liều cao depot medroxyprogesterone acetate (DMPA) cũng có thể có hiệu quả. Trong một thử nghiệm so sánh liều duy nhất 400mg medroxyprogesterone acetate tiêm bắp (MPA) và venlafaxine (37,5mg mỗi ngày trong bảy ngày và 75mg mỗi ngày sau đó), điểm bốc hỏa giảm ở nhóm dùng MPA là 80% trong khi nhóm dùng venlafaxine là 55%. Mặt khác, venlafaxine gây nên một số tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, chán ăn, chóng mặt, táo bón, khô miệng, mất ngủ. Điều này có thể gợi ý rằng progestin có hiệu quả và ít tác dụng không mong muốn hơn nhóm SSRIs/ SNRIs, tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ vấn đề này.

Các loại progestin khác như norethindrone acetate (10mg mỗi ngày) dường như cũng có hiệu quả đối với triệu chứng vận mạch.

Bốc hỏa là một trong những triệu chứng gây khó chịu nhiều nhất ở phụ nữ mãn kinh. Bốc hỏa mức độ nhẹ không cần điều trị bằng thuốc, tuy nhiên có thể áp dụng các biện pháp như: thay đổi lối sống, các sản phẩm không cần toa như bổ sung isoflavon, thiên ma, vitamin E... Đối với bốc hỏa mức độ trung bình hay nặng thì liệu pháp estrogen ngắn hạn vẫn là lựa chọn đầu tay. Bên cạnh đó, SSRI và SNRI cũng đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị bốc hỏa. Gabapentin cũng là một loại thuốc hữu hiệu, đặc biệt với những trường hợp bốc hỏa về đêm.

BS. PHAN DIỄM ĐOAN NGỌC
Ý kiến của bạn