Đáng lo ngại, việc sử dụng các loại giấy tờ này không những tiếp tay cho kẻ xấu làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức, mà còn để lại nhiều hệ lụy mà chính những người mua chưa hề lường đến.
Liên tiếp phát hiện
Thông tin từ Công an huyện Thanh Trì cho biết, vào khoảng cuối tháng 10, tổ công tác của Đội 4 (PC50) và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Thanh Trì) đã điều tra làm rõ một ổ nhóm chuyên làm giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy ra viện giả và có dấu tròn đỏ của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải (BVGTVT). Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ nhiều con dấu giả của bệnh viện và tên chức danh bác sĩ. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì đã khởi tố vụ án nêu trên và tiếp tục điều tra mở rộng.
Giấy chứng nhận sức khỏe giả bị cơ quan công an thu giữ.
Trước đó, khoảng cuối tháng 9, Đội 4 (PC50) và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Thanh Trì cũng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện Hoàng Mạnh Hùng (trú tại xã Tân Triều, Thanh Trì) mang theo khoảng 50 tờ giấy khám sức khỏe và giấy chứng nhận sức khỏe trên giấy có dấu đỏ của Công ty cổ phần BVGTVT nghi là giả. Cụ thể, các loại giấy tờ này có ghi nội dung, kết quả khám nhưng không ghi thông tin người khám bệnh. Tiếp tục khám xét nhà đối tượng, cơ quan công an thu giữ 729 giấy chứng nhận sức khỏe, giấy khám sức khỏe đều có dấu đỏ của bệnh viện nêu trên nhưng chưa ghi nội dung. Mở rộng điều tra, cơ quan công an bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Thắng (27 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Lê Trần Tiến (26 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và triệu tập một số đối tượng liên quan đến đường dây này.
Tại cơ quan công an, Tiến khai nhận, giữa tháng 8/2017 đã cùng Thắng lên kế hoạch, thỏa thuận mua bán giấy khám sức khỏe giả. Giá trung bình của 1 tờ giấy khám sức khỏe khổ A4 rao bán với giá từ 50 nghìn đồng; A3 có giá 100 nghìn đồng; giấy khám sức khỏe khổ A3 dán ảnh dấu giáp lai có giá từ 130 nghìn đồng; giấy ra viện có giá 200 nghìn đồng. Tiến mua tất cả giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận sức khỏe nêu trên của Nguyễn Văn Thắng và bán lại cho Hùng và một số người khác để hưởng chênh lệch. Do sợ gia đình phát hiện nên Tiến gửi tất cả số giấy tờ khám sức khỏe giả tại nhà của Hoàng Mạnh Hùng tại xã Tân Triều.
Cơ quan công an cũng cho biết, ngay khi biết tin Tiến bị cơ quan điều tra triệu tập, Thắng đã vứt bỏ toàn bộ 5 dấu tên bác sĩ và 1 dấu tròn đỏ có tên Công ty cổ phần BVGTVT vào thùng rác tại khu vực Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Về phía Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi mua các loại giấy tờ trên từ Lê Trần Tiến, Hùng lên facebook đăng tải thông tin rao bán, nhận làm các loại giấy khám sức khỏe, giấy ra viện. Khách có nhu cầu mua sẽ liên hệ theo số điện thoại của Hùng đăng trên bài viết. Để hưởng tiền chênh lệch, Hùng bán giấy khám sức khỏe khổ A4 với giá 80 nghìn đồng; khổ A3 từ 120 nghìn đồng; khổ A3 có dán ảnh dấu giáp lai có giá từ 150 nghìn đồng; giấy ra viện là 200 nghìn đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì đã khởi tố vụ án nêu trên, khởi tố các bị can Lê Trần Tiến, Nguyễn Văn Thắng về hành vi “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”; tiếp tục điều tra mở rộng.
Xử lý nghiêm cả người bán và người mua
Theo cơ quan công an, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán giấy khám sức khỏe giả tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng trên thực tế, thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nguyên nhân một phần do ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao, chưa nhận thức được đầy đủ tác hại của việc sử dụng giấy khám sức khỏe giả để xin việc, học lái xe... Với suy nghĩ chỉ cần bỏ ra khoảng 70.000 - 200.000 đồng và cũng không cần phải đến các cơ sở y tế, nhiều người vẫn có các loại giấy tờ này để phục vụ cho nhu cầu cá nhân của mình đã khiến thực trạng mua bán giấy tờ giả ngày càng gia tăng, để lại nhiều hậu quả cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động và xã hội. Nếu v iệc khám sức khỏe được làm gian dối, qua loa, không đúng quy trình sẽ gây nhiều cản trở cho nhà tuyển dụng khi họ phải nhận những nhân viên không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe vào làm việc. Đặc biệt, thực trạng mua bán giấy khám sức khỏe giả không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn khiến uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Liên quan đến thực trạng mua bán giấy khám sức khỏe giả tràn lan, theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc mua giấy khám sức khỏe mà không cần đi khám là vi phạm pháp luật. Hành vi này vi phạm Điều 267, Bộ luật Hình sự “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Với các đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-5 năm: có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 4-7 năm. Thiết nghĩ, bên cạnh việc bóc gỡ, xử lý các đường dây làm giả giấy tờ, đối với những cá nhân mua giấy khám sức khỏe, giấy ra viện giả, vô tình tiếp tay cho kẻ gian cũng cần phải bị xử lý nghiêm.