Bóc gỡ đường dây học thuê, thi hộ

27-07-2015 07:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Kỳ thi TNPT quốc gia kết hợp thi đại học vừa qua được đánh giá là rất nghiêm túc và nghiêm ngặt.

Kỳ thi TNPT quốc gia kết hợp thi đại học vừa qua được đánh giá là rất nghiêm túc và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc phát hiện một số trường hợp thi hộ và áp dụng công nghệ cao rất “độc” để qua mặt các giám thị, và việc có những nhóm công khai trên mạng quy tụ nhiều “nhân tài” là sinh viên để rao “học hộ, thi hộ” đã hé lộ một góc khuất mà nhiều người chưa biết tới.

Nhờ sự trợ giúp từ “người thân”

Ngày 2/7, tại điểm thi nhà B10, Cụm thi Đại học Hải Phòng, trong khi coi thi môn Vật lý, giám thị đã phát hiện thí sinh Phạm Xuân Lập sử dụng một số thiết bị điện tử chụp ảnh nội dung đề thi gửi ra ngoài.

Công an TP. Hải Phòng đã làm rõ các đối tượng tham gia đường dây này gồm: Phạm Xuân Lập (SN 1996), ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; Nguyễn Thị Huyền (SN 1993), quê Nam Định và Đinh Thị Cúc (SN 1993), quê Hải Dương.

Một trang mạng xã hội quy tụ người học thuê, thi thuê.

Các đối tượng khai nhận: Giữa tháng 6/2015, thông qua mạng internet, Lập đã sử dụng blog “Thành Công” để làm quen và đặt vấn đề với tài khoản facebook “Huyen Nguyen” giải giúp bài thi 3 môn Toán, Lý, Hóa trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Sau đó Lập đã gặp trực tiếp Huyền, chủ tài khoản facebook “Huyen Nguyen” tại Hà Nội để bàn bạc thống nhất.

Theo đó, Lập sẽ sử dụng điện thoại chụp nội dung đề thi chuyển ra ngoài cho Huyền giải rồi đọc đáp án cho Lập. Mỗi môn thi Lập sẽ trả Huyền từ 500.000-700.000 đồng. Lập đã mua bộ thiết bị nghe siêu nhỏ rao bán trên mạng internet với giá 1,2 triệu đồng và sử dụng 2 chiếc ĐTDĐ, trong đó 1 chiếc ngụy trang trong vỏ máy tính cầm tay. Các thiết bị này được cài đặt sẵn chế độ tự động nhận thông tin gọi đến. Nhận được đề thi, Lập chụp gửi ra ngoài, Huyền nhờ Cúc (chủ tài khoản facebook “Hoa hồng Ty”) giải. Lời giải sau đó nhanh chóng được nhóm của Huyền đọc vào trong phòng thi cho Lập thông qua thiết bị siêu nhỏ, không dây, to bằng hạt đỗ được đặt sâu trong lỗ tai. Tất cả các thiết bị đều được cài đặt phần mềm kết nối tự động, không phát ra tiếng động. Trong buổi thi môn Toán vào sáng 1/7/2015, với thủ đoạn trên, Lập đã giải được 8,5 câu/10 câu của đề thi.

Bước đầu, Cơ quan công an xác định Nguyễn Thị Huyền là mắt xích quan trọng trong đường dây thi hộ này. Huyền quy tụ sinh viên một số đại học danh tiếng, chỉ đạo truyền lời giải vào phòng cho thí sinh thi THPT quốc gia qua thiết bị không dây rất nhỏ và hiện đại. Huyền “gom” khách hàng để đội ngũ này phục vụ. Theo cảnh sát, thành viên trong nhóm của Huyền đều là sinh viên tại các đại học danh tiếng ở khu vực phía Bắc.

Theo điều tra của Công an Hải Phòng, ngoài Lập, nhóm Huyền đã nhận giải đề thi cho một thí sinh khác quê ở Nghệ An với các môn Toán, Vật lý, Ngữ văn và Tiếng Anh cũng trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi

Hiện nay, tương tự như nhóm Huyền nói trên, nhiều nhóm quy tụ các “nhân tài” là sinh viên học lực cao, lập một Fanpage dưới hình thức “nhóm kín” trên mạng xã hội để mời chào người có nhu cầu học hộ, thi hộ, kể cả trong các kỳ tuyển sinh lẫn trong các học kỳ tại các trường đại học. Bên cạnh đó, họ cũng nhận thi hộ trong các kỳ sát hạch nội bộ nhằm đi du học, vào công ty tuyển dụng...

Đây là một cái “chợ” công khai giữa người có và người cần. Họ có kiến thức, có thời gian đem bán lại cho những người lười biếng, hoặc quá bận bịu đang theo học tại những lớp đại học, liên thông... để lấy bằng cấp trám vào những chỗ thiếu trong hồ sơ làm việc.

Những lời rao “mua, bán” rất đơn giản và công khai như thể đang mua bán một đồ vật vậy. Nickname H.A cần người thi hộ đã rao như sau: “Đăng nhờ lên giùm mình tìm người thi hộ môn Vi sinh vật với. Giá cả thỏa thuận ạ. Số điện thoại của mình 0972xxxxxx”. Hoặc lại có nickname M.T còn rao tìm cả người học và thi hộ như sau: “Mình muốn thuê một người đi học hộ và thi hộ luôn môn xác suất. Ai giúp được liên lạc vào số điện này 097xxxxxx nhé”.

Về phía “trợ giúp”, những lời rao cũng rất đơn giản: “Nhận học hộ cho bạn nam vào các buổi chiều, tối trong tuần, ngắn hay dài đều ok, uy tín, lâu dài... Ai có nhu cầu liên hệ mình 0165xxxxxx”. Thậm chí nhiều cao thủ còn quảng bá cả “uy tín” của mình để mong có nhiều khách hàng, nickname M.A.K rao: “Nhận học hộ cho các bạn nam vào các buổi tối và chủ nhật, mình có thể học cả ngày, có kinh nghiệm học hộ, không gây sự chú ý của giáo viên, giá cả thỏa thuận, giờ giấc đảm bảo, có thể học ngắn hạn, dài hạn. Bạn nào có nhu cầu gọi cho mình nhé 0165xxxxxx, hoặc ib (nhắn tin) cho mình nhé”. Những lời rao càng ngày càng ngắn gọn và chuyên nghiệp như thể những tờ báo rao vặt mua bán: “Nhận thi hộ nam và nữ môn Tiếng Anh (TOEIC, cơ bản, chứng chỉ A B, C & Tiếng Anh ngành kinh tế) - không trung gian, kinh nghiệm cao, đảm bảo điểm số, bảo mật, giá cả thỏa thuận. 0918.xxxxxx”.

Thực trạng trên cho thấy một vấn đề rằng, dẫu cho các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học đang diễn ra hết sức nghiêm túc và nghiêm ngặt, kể cả có đến 100%, thì các sinh viên và những người đang ngồi ghế giảng đường, đang công tác tại nhiều đơn vị vẫn còn tham gia vô số những cuộc thi, sát hạch, những kỳ học khác. Và liệu chỉ một yếu tố đầu vào đảm bảo sự nghiêm chỉnh, nhưng còn cả một chặng đường dài phía sau, với biết bao lỗ hổng, sự dễ dãi, lười biếng... có đủ để bảo đảm cho chất lượng của những sinh viên, những cử nhân, thậm chí những cán bộ đang đảm đương vị trí công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp hay không. Đây mới chính là lúc “sản phẩm” của sự nghiêm ngặt trong đầu vào là những kỳ thi tuyển sinh đại học, tốt nghiệp... được đưa ra “thị trường”. Nếu các cơ quan quản lý, giáo dục không đảm bảo được sự nghiêm ngặt trong cả một chặng đường dài như vậy, thì chất lượng của đầu ra (quan trọng hơn cả đầu vào) còn mang nhiều nghi ngờ.

Hoàng Lê

 

 

 


Ý kiến của bạn