Thực trạng trên được đưa ra tại hội nghị Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2019 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế tổ chức ngày 1/11 tại Hà Nội.
Hội nghị được tổ chức để hướng dẫn các bệnh viện thực chất, khách quan hơn nữa trong việc đánh giá chất lượng. Đồng thời cũng là hoạt động triển khai cụ thể hóa công văn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh vừa gửi các cơ sở y tế này 25/10 vừa qua.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh cho biết, ngành y tế đã không ngừng đổi mới hoạt động khám chữa bệnh, từ việc thực hiện 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đổi mới quy trình khám chữa bệnh, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Đồng thời trong những năm gần đây, bộ mặt và chất lượng phục vụ của các bệnh viện trong cả nước có sự thay đổi cơ bản nhờ sự đổi mới về cách kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện.
Tuy nhiên để công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, hướng tới mục tiêu các bệnh viện ngày càng có chất lượng phục vụ cao hơn, năm 2019, Bộ Y tế đã tổ chức hai khoá tập huấn tại hai miền Nam- Bắc về vấn đề này
Tại hội nghị, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh thẳng thắn cho biết, qua thực tiễn đánh giá chất lượng các bệnh viện những năm qua, Cục nhận thấy có một số Sở Y tế thực hiện đánh giá chưa đạt đúng tiêu chí.
“Đánh giá chất lượng bệnh viện chỉ trong một buổi thì không thể đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan hết 83 tiêu chí. Có một số Sở Y tế khi lựa chọn thành viên chưa đúng tiêu chí tham gia Đoàn đánh giá chất lượng bệnh viện. Đặc biệt, vẫn còn tâm lý nể nang khi đánh giá, làm mất đi ý nghĩa của công tác đánh giá chất lượng. Vì thế, chúng tôi sẽ tham mưu với Bộ Y tế để có cơ chế để thực hiện đánh giá chất lượng khách quan thật sự và kết quả cuối cùng là sự hài lòng của người bệnh, giảm bớt những khiếu nại, phàn nàn”- ThS Nguyễn Trọng Khoa nói.
Trong công văn hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế yêu cầu, nhằm hạn chế tối đa các sai lệch trong việc tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, các đơn vị cần phải thuân thủ đánh giá Bộ tiêu chí gồm: không che giấu những sai phạm nếu có; không bỏ qua những việc chưa làm được.
Theo đó, có bốn lỗi mà các bệnh viện có thể gặp phải khi tự kiểm tra đánh giá gồm: bệnh viện che giấu sai phạm; bệnh viện chưa thực hiện công việc hoặc không có sản phẩm, bằng chứng đã nêu trong các tiêu chí; bệnh viện hoặc Đoàn đánh giá chưa nghiên cứu đầy đủ hoặc chưa tìm hiểu cặn kẽ yêu cầu của tiêu chí nhưng vẫn chấm là đạt; nhập số liệu bị thiếu, sai hoặc nhầm đơn vị.
“Nếu Cục phát hiện bệnh viện mắc một trong ba lỗi sẽ không công nhận kết quả tự kiểm tra, đánh giá và đề nghị bệnh viện tự kiểm tra, đánh giá lại và phải có báo cáo so sánh kết quả, giải trình lý do khác biệt. Nếu Cục phát hiện Đoàn đánh giá mắc một trong ba lỗi sẽ không công nhận kết quả và đề nghị cơ quan quản lý thành lập đoàn khác”, ông Khoa cho biết.
Các đại biểu tham dự hội nghị hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2019
Đây là năm thứ 7, Bộ Y tế thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện. Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, hiện Ban soạn thảo sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã họp nhiều phiên và cũng đề xuất cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiến tới đánh giá độc lập, xếp hạng bệnh viện theo tiêu chí.
Năm 2018, điểm đánh giá chất lượng bệnh viện trên toàn quốc đã đạt trên mức 3. Xếp cao nhất là nhóm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế với điểm trung bình đạt 3,85 điểm, thấp nhất là nhóm các bệnh viện tuyến quận/huyện đạt 2,98 điểm.
Kết quả khảo sát hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 tại 1.290 đơn vị đạt 80,61%. Các bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú cao hơn so với các tuyến bệnh viện khác với tỷ lệ lần lượt là 89%, 87,02%. Bệnh viện bộ/ngành có tỷ lệ hài lòng người bệnh thấp nhất, 70,26%