Bộ Y tế yêu cầu tăng cường nguồn lực cấp cứu người bệnh trời nắng nóng

05-06-2017 16:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, tiếp tục có những đợt nắng nóng trên diện rộng, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân

Ngày 5/6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn số 743/KCB-QLCL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành đề nghị tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè cho người bệnh.

Công văn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm 2017 tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Trong thời gian tới, tiếp tục có những đợt nắng nóng trên diện rộng, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân.

Người nhà bệnh nhân và bệnh nhân được ngồi chờ khám ở khu vực thoáng mát, có quạt và ghế ngồi đầy đủ

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo thời tiết của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tăng cường thực hiện một số công việc liên quan đến khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè cho người bệnh.

Theo đó, tại khoa khám bệnh: tiếp tục duy trì thực hiện tốt Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện; Rà soát, áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYTngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế), đặc biệt là phần A “Hướng đến người bệnh” như bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; Tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh;Bảo đảm tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt.

Đối với Khoa điều trị, Bộ Y tế yêu cầu tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ ở những nơi cần thiết đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước uống miễn phí, nước sạch cho người bệnh. Không để hoặc hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.

Trang bị quạt mát cho người nhà bệnh nhi chờ khám và lấy kết quả xét nghiệm, chụp X-Quang tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa...

Đồng thời, các bệnh viện cần chủ động lên kế hoạch tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp và mới nổi.

Tăng nguy cơ tử vong do nắng nóng bất thường
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trong các ngày nắng nóng gay gắt, số cuộc gọi yêu cầu cấp cứu tăng vọt, cao hơn 30% so với mức bình thường. Trung bình mỗi ngày 105 - 110 ca vận chuyển. Đáng lưu ý, các ngày bình thường, có 3 -5 ca tử vong trước khi xe cấp cứu đến nhưng riêng trong ngày 4/6 số này lên đến 11 người. Các ca tử vong này chưa khẳng định trực tiếp do nắng nhưng đây là những con số phản ánh có bất thường so với nhưng ngày thời tiết bình thường.
BS Nguyễn Thành- Giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội cho biết, Trung tâm đã tăng cường thiết bị, thuốc dịch truyền cũng như sẵn sàng tăng cường kíp trực phục vụ kịp thời yêu cầu của người dân.
“Say nắng, say nóng là tình huống cấp cứu y tế, có thể gây đột quy tử vong, do đó người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe, hạn chế ra ngoài khi nắng nóng đặc biệt khung giờ cao điểm 11 - 15 giờ. Nếu buộc phải làm bên ngoài cần có bảo hộ, thời gian không nên làm quá 30 phút liên tục và uống bù nước bằng dung dịch orezol. Nếu xuất hiện đau đầu, buồn nôn, chuột rút cần lập tức vào bóng mát, nghỉ ngơi, chườm mát và liên hệ với lực lượng y tế hỗ trợ”- BS Thành nói
Cũng theo BS Thành, nắng nóng cũng đặc biệt nguy hiểm với người cao huyết áp, có bệnh tim mạch vì có thể làm tăng huyết áp đột ngột rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong.
Trong các ngày 2/5 và 5/6 đã có hai trường hợp say nắng nóng nặng đến mức phải gọi cấp cứu chuyển viện điều trị. Một trường hơp tử vong nghi liên quan say nắng, say nóng nắng (sáng 5.6) là cụ bà 70 tuổi ở Hà Nội tử vong khi đang đi trên đường


Thái Bình
Ý kiến của bạn