Sau khi báo chí phản ánh trường hợp sản phụ Trần Thị Bích Lai, 28 tuổi, đến sinh con tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vào chiều ngày 28/6/2019 và đã tử vong sau khi sinh ngày 29/6/2019, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Yên Bái về sự việc yêu cầu báo cáo trường hợp tử vong sản phụ Trần Thị Bích Lai tại Trung tâm y tế huyện Lục Yên, Yên Bái.
Theo đó, văn bản yêu cầu Sở Y tế Yên Bái Kiểm tra, xác minh thông tin về nội dung báo chí đăng tải và gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Trung tâm y tế huyện Lục Yên đối với sản phụ Lai về Bộ Y tế trước ngày 05/7/2019 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Lục Yên rà soát lại việc tuân thủ các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ, gặp gỡ, chia sẻ, động viên và cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình sản phụ Lai cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Y tế Yên Bái chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Lục Yên thành lập Hội đồng chuyên môn (hoặc Sở Y tế thành lập nếu bệnh viện không đủ điều kiện) đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ Trần Thị Bích Lai; thông báo kết luận của Hội đồng tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng.
Trong trường hợp gia đình vẫn không đồng ý với kết luận của Hội đồng bệnh viện thì Sở Y tế cần thành lập Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh xem xét và kết luận trả lời gia đình.
Xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn về sản khoa cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện.
Tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình nghiêm túc thực hiện công văn số 3105/BYT-BM-TE ngày 04/6/2019 về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai; chỉ thị 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trung tâm Y tế huyện Lục Yên hiện đã tạm đình chỉ các kỹ thuật có sử dụng phương pháp gây tê tủy sống
Trước đó, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho hay, vào lúc 14 giờ 26 phút, ngày 28/6, sản phụ Trần Thị Bích Lai (28 tuổi, trú tại thôn Trung, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đến Trung tâm Y tế huyện Lục Yên điều trị ở Khoa Phụ sản và chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Bệnh nhân khi nhập viện đã làm các xét nghiệm cấp cứu cơ bản, được cơ sở khám chữa bệnh hội chẩn, thống nhất chẩn đoán là thai 39 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ đẻ, có sẹo mổ cũ lấy thai do xương chậu hẹp. Hướng xử trí là mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống.
Sau khi mổ được 1 giờ, sản phụ xuất hiện khó thở, kêu nghẹn cổ và nôn ra một ít bọt màu hồng, chân tay tê. Sau đó, bác sỹ kiểm tra các chỉ số sinh tồn đều giảm như huyết áp là 90/40, mạch nhanh trên 100 lần.
Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã cấp cứu và hội chẩn ngay tại phòng mổ, tính đến nguyên nhân sốc không hồi phục do ngộ độc thuốc tê, chưa loại trừ nguyên nhân thuyên tắc mạch ối, tiên lượng là đe dọa tử vong.
Các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ quy định, đồng thời, khi thấy các chỉ số sinh tồn cho phép là cho chuyển tuyến trên.
Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, sản phụ được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái điều trị. Bệnh nhân được bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái lúc 1 giờ 15 phút ngày 29/6.
Ngay sau khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sản phụ được đưa vào cấp cứu tích cực theo phác đồ nhưng không hiệu quả, được chẩn đoán đã tử vong ngoại viện, tức là trên đường đi cấp cứu.
Ngay sau khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã báo cáo các cơ quan chức năng. Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã tạm đình chỉ các kỹ thuật có sử dụng phương pháp gây tê tủy sống. Các trường hợp bệnh nhân nếu phải áp dụng phương pháp này sẽ được gửi lên tuyến trên; đồng thời, không giao nhiệm vụ cho bác sỹ gây mê để tránh ảnh hưởng đến tâm lý trong quá trình khám chữa bệnh.