Bộ Y tế yêu cầu làm rõ phản ánh bệnh nhân "tố" bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội chuyên môn kém

03-11-2017 18:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 3/11, Bộ Y tế có Công văn khẩn số 6287/BYT-TE gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị làm rõ thông tin bệnh nhân “tố” bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chuyên môn kém, 2 lần đi khám mất 15 triệu đồng.

Ngày 3/11, Bộ Y tế có Công văn khẩn số 6287/BYT-TE gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị làm rõ thông tin bệnh nhân “tố” bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chuyên môn kém, 2 lần đi khám mất 15 triệu đồng.

Theo đó, ngày 2/11, trên một tờ báo điện tử có phản ánh về trường hợp chị N.T.B. được chỉ định chấm dứt thai nghén lúc thai 12 tuần và đã được làm thủ thuật 2 lần tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tuy nhiên, sau 2 lần làm thủ thuật, chị B. đi khám lại tại bệnh viện và được xác định, vẫn nguyên túi dịch hỗn hợp.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xác minh và báo cáo ngay về diễn biến trường hợp của chị B., đồng thời cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông, giải quyết dứt điểm thông tin về trường hợp nêu trên.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội rà soát lại việc tuân thủ các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là quy trình phá thai cũng như việc thu phí dịch vụ. Chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em tại bệnh viện; đồng thời nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ trong khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Báo cáo gửi về Vụ Sức khoẻ bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế) trước ngày 9-11.

Trước đó, thông tin trên báo chí cho biết, theo phản ánh của chị N.T.B (Hà Nội), ngày 18/10/2017, khi thai nhi được 12 tuần, chị B. có đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khám thai định kỳ thai nhi. BS Nguyễn Tuấn M., người được giới thiệu là Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình tại bệnh viện, đã trực tiếp khám cho chị B.

Theo chẩn đoán của bác sĩ M. thai nhi bị phù và bắt buộc phải đình chỉ thai. Sau khi được bác sĩ tư vấn, chị B. lựa chọn làm dịch vụ với mức giá 7.500.000 đồng và được bác sĩ M. trực tiếp “xử lý”.

Sau khi làm thủ thuật đình chỉ thai nhi xong, chị B. về nhà được 4 ngày thì thấy có dấu hiệu bất thường (bụng chướng, đau âm ỉ, cơ thể mệt mỏi) và đã đi khám lại. Do hôm đó là chủ nhật nên chị B. phải khám theo dịch vụ ngẫu nhiên. Tại đây, bác sĩ trực đã chẩn đoán có bất thường và yêu cầu chị B. quay lại khoa Kế hoạch để “hút lại”.

Ngày 23/10/2017, chị B. đến khoa Kế hoạch đóng thêm 1.500.000 đồng và được BS M. trực tiếp làm thủ thuật. Sau đó chị B. về nhà nhưng mấy ngày sau chị vẫn thấy dấu hiệu bất thường như lần trước. Đi khám ở một bệnh viện gần nhà, chị B. tá hoả khi bác sĩ chẩn đoán “thai nhi vẫn còn lưu”.

Ngày 30/10/2017 chị B. lại tiếp tục quay lại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khám lại (lần này chị đã chuyển sang một khoa khác để khám), đóng thêm 400.000 đồng tiền khám và được chẩn đoán “vẫn nguyên túi dịch hỗn hợp”.

Ngay sau đó, chị B. được bác sĩ hướng dẫn cho uống thuốc co bóp tử cung để đẩy thai ra, không thể tiếp tục làm thủ thuật vì đã làm 2 lần, sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ, sau 3 ngày nếu thai vẫn còn thì quay lại làm tiếp.

Khi được hỏi "tại sao đã xử lý thủ thuật 2 lần mà thai vẫn còn lưu nguyên" chị B. được bác sĩ thăm khám trả lời “cái đó chỉ có người làm mới biết được".

Theo như các hóa đơn chị B. cung cấp, tổng chi phí khám và làm thủ thuật lên đến gần 15 triệu đồng nhưng vẫn chưa giải quyết được việc gì, kèm theo sức khỏe của chị ngày càng sa sút.

Trong khi đó, chi phí cho việc nạo, hút thai như trường hợp của chị B. khi sử dụng dịch vụ ở các bệnh viện khác chỉ trung bình từ 3-4.000.000 đồng.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn