Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Đại học Y – dược Huế xử lí nghiêm các tập thể, cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp khi để xảy việc tử vong của sản phụ Tr.
Bệnh viện Đại học Y – dược Huế phải thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với sản phụ Tr.; thông báo kết luận của Hội đồng tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông.
Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, bệnh viện gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí đối với sản phụ Tr. về Bộ Y tế trước 16h ngày 11/7/2019.
Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc theo dõi, chăm sóc và xử trí các tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ; tăng cường chất lượng dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Trước đó, báo chí phản ánh, chiều ngày 5/7, chị Tr. được gia đình đưa vào nhập viện tại bệnh viện Đại học Y - dược Huế trong tình trạng đã mở tử cung và chậm 2 ngày so với dự kiến sinh.
Đến khoảng 2h sáng ngày 7/7, người nhà phát hiện chị Tr. có biểu hiện sức khỏe yếu, lịm dần rồi bất tỉnh nên trình báo với các y, bác sĩ trực. Sau khi thăm khám, bác sĩ thông báo cho người nhà biết sản phụ Tr. bị tắc mạch ối và tiến hành mổ, đưa thai nhi ra.
Sau khi mổ sinh con xong thì Tr. rơi vào hôn mê và tử vong còn cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đến sáng 8/7 thì cháu không qua khỏi.
Vì vậy, phụ nữ mang thai nên được theo dõi chặt chẽ vì tắc mạch ối thường xuất hiện đột ngột với các dấu hiệu theo trình tự thời gian. Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật. Trên 80% số trường hợp người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên. Có đến 50% số trường hợp tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.
Nếu người bệnh thoát qua được giai đoạn này (khoảng 40% số trường hợp) sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Chảy máu từ tử cung không thể cầm được. Số trường hợp có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng cao.
Tắc mạch ối là một cấp cứu sản khoa không thể dự báo được, không thể dự phòng được và trong hầu hết các trường hợp là không thể điều trị được. Chính vì vậy, ở bất cứ trường hợp nào, hoàn cảnh nào, chăm sóc và theo dõi chặt chẽ các bà mẹ trong thời kì mang thai là việc làm hết sức quan trọng cần phải đặc biệt lưu ý.