Bộ Y tế yêu cầu kiểm nghiệm lại mẫu cá nục có chứa Phenol ở Quảng Trị

13-06-2016 09:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước thông tin gần 30 tấn cá nục đông lạnh tại Quảng Trị nhiễm chất cấm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg.Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị gửi gấp mẫu cá nục có chứa chất cấm phenol ra Hà Nội để kiểm tra lại.

 

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị gửi gấp mẫu cá nục có chứa chất cấm phenol ra Hà Nội để kiểm tra lại.

Việc này được ngành y tế đưa ra trước thông tin gần 30 tấn cá nục đông lạnh tại Quảng Trị nhiễm chất cấm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg. Đây là kết quả xét nghiệm từ một trung tâm kiểm nghiệm tại Huế.

TS  Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết cùng với việc gửi mẫu cá nục, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Trị cũng phải gửi kèm cả quy trình xét nghiệm chi tiết các mẫu nói trên.

Theo ông Phong, lực lượng liên ngành Quảng Trị cung cấp thông tin cá nục nhiễm phenol sau khi nhận được kết quả xét nghiệm từ một trung tâm kiểm nghiệm tại Huế.

“Tuy nhiên tôi có trao đổi với Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thì được biết, việc xác định chính xác hàm lượng phenol rất khó, phải cất đi chưng lại nhiều lần”, ông Phong nói

Cũng theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ngay khi nhận được mẫu cá nục từ Quảng Trị gửi ra sẽ giao cho Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia kiểm nghiệm lại. Khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi.

“Khi có nghi ngờ, việc bảo vệ sức khoẻ người dân luôn là ưu tiên số 1, tuy nhiên khi thông tin chưa được đối chiếu thì phải làm đi làm lại thận trọng, có khi phải làm nhiều nơi để kiểm tra chéo”, ông Phong nêu quan điểm.

Các thùng cá nục lại kho bảo quản đông lạnh nhà bà Thuộc được cho là có mẫu cá nhiễm phenol (ảnh internet)

Theo ông Phong, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo trong giai đoạn này phải xét nghiệm liên tục để phát hiện kim loại nặng, độc tố trong hải sản nếu có. Nếu không đảm bảo chất lượng, phải xử lý ngay tại địa phương nhưng mẫu nào không làm được phải gửi ra trung ương.

Trước đó, vào ngày 7/6, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Y tế và Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh tổ chức kiểm tra số hải sản còn tồn đọng tại các kho đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã tiến hành lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của hộ bà Lê Thị Thuộc (khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh), , gồm: 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá song và 3 mẫu cá nục (1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua trước thời điểm cá chết, 1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua sau thời điểm cá chết 10 ngày, mẫu còn lại của 30 tấn cá thu mua ngay sau thời điểm cá chết).

Kết quả phân tích, kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm, dùng trong công nghiệp hoá dẻo.

Theo kết quả kiểm nghiệm này, Sở Y tế Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các ngành cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả đạt yêu cầu và niêm phong, chờ xử lý gần 30 tấn cá nục có chứa chất phenol

 



Phenol là chất rắn tinh thể, không màu, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43 độ C, tan vô hạn ở 66 độ C. Đây là những hợp chất hữu cơ trong phân tử có nhóm OH liên kết trực tiếp với nguyên tử C vòng benzen. Hợp chất này ít tan trong nước lạnh, phenol rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da.
Theo các chuyên gia, phenol là chất độc, song ở hàm lượng 0,037 mg/kg là rất ít để có thể gây độc. Khi chế biến hay rã đông thực phẩm, hàm lượng phenol bị đào thải bớt, người tiêu dùng không nên quá lo lắng.

“Nếu gia đình nào cẩn trọng, khi mua cá về để rã đông tự nhiên, sau đó ngâm và rửa dưới nước sạch, nước ấm nhiều lần, nếu có phenol sẽ tan ra. Đặc biệt nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc hơn”, PGS Nguyễn Duy Thịnh- Viện công nghệ thực phẩm- ĐH Bách Khoa Hà Nội đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng.

 

 

 

 

 



Thái Bình
Ý kiến của bạn