Ngày 13/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn số 283/ KCB-NV gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng y tế các ngành đề nghị tăng cường phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh bị ho gà.
Trước thực trạng từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 82 ca bệnh do ho gà, trong đó đã ghi nhận một số trường hợp tử vong. Để tăng cường công tác phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị giảm tử vong và phòng chống lây nhiễm bệnh ho gà tại các bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ người bệnh mắc ho gà, đặc biệt là các bệnh nhi ở khu vực các tỉnh phía Bắc ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu. Phân công điều dưỡng có kinh nghiệm tiếp đón, sàng lọc người bệnh ngay tại nơi tiếp đón, phát hiện những trường hợp nghi mắc bệnh ho gà để hướng dẫn vào buồng khám phù hợp tại khoa Khám bệnh. Lưu ý các trường hợp nghi ngờ về mặt lâm sàng để chỉ định xét nghiệm phù hợp và kịp thời.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí đơn vị thu nhận người bệnh ho gà và nghi ngờ mắc ho gà riêng biệt tại khu vực điều trị nội trú. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần thiết phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh ho gà. Chuyển tuyến an toàn, kịp thời đối với những trường hợp diễn biến nặng.
Theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà cùng thực hiện.
Điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi Trung ương Ảnh Dương Ngọc
Phối hợp với y tế dự phòng trong việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Nghiêm túc thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận 82 trường hợp mắc ho gà tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam… trong đó Hà Nội có ca mắc cao nhất với 21 trường hợp, có một ca tử vong. Bốn trường hợp tử vong khác tại Cao Bằng, Nam Định (2 ca), Nghệ An.
Trẻ mắc ho gà phần lớn là trẻ dưới 2 tháng tuổi, chưa có khả năng miễn dịch. Riêng trong năm 2017, 80% số ca mắc là trẻ dưới 3 tháng tuổi và phần lớn rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa tiêm chủng phòng ngừa ho gà. Các trẻ mắc bệnh cũng không nhận được miễn dịch từ mẹ truyền cho con do mẹ chưa tiêm phòng dịch trước đó.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để phòng bệnh ho gà cho trẻ em, vấn đề cốt lõi là trẻ phải được tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều,. Theo đó, trẻ cần tiêm mũi đầu tiên ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi, mũi 3 lúc 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng. Mũi nhắc lại lần 4 khi trẻ được 18 tháng rất quan trọng trong việc kéo dài miễn dịch sau này để truyền cho con.
Đối với phụ nữ mang thai, vắc xin ngừa ho gà dành cho người lớn được khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi từ 6 - 64 tuổi và phụ nữ mang thai 20 tuần. Tuy nhiên, tốt nhất là tiêm ngừa trước khi mang thai. Trường hợp phụ nữ mang thai cần thực hiện việc tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai sống tại vùng dịch.