Ngày 6/6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn số 606/KCB-NV gửi các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các Bộ, ngành đề nghị tăng cường cảnh giác phát hiện sớm và phòng lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola
Công văn do Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê ký ban hành cho biết, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 31/5/2018, nước Cộng hòa dân chủ Công Gô đã ghi nhận về ca bệnh do vi rút Ebola như sau: 35 ca bệnh xác định, 14 ca bệnh có thể và 9 ca nghi ngờ (58 ca). Trong 58 ca bệnh có 3 ca là nhân viên y tế và đã có 27/58 ca tử vong (46,5%). Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Nhằm phòng chống bệnh do vi rút Ebola có thể xâm nhập vào Việt Nam có hiệu quả, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: chú ý khai thác tiền sử dịch tễ những người bệnh đến từ Cộng hòa dân chủ Công Gô và các quốc gia lân cận hoặc những người bệnh có tiếp xúc với những người đi về từ các quốc gia trên có các triệu chứng sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan, thận, có thể xuất huyết nội và ngoại để khám, sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và cách ly người bệnh.
Diễn tập phòng chống dịch Ebola tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) Ảnh Internet
Tập huấn cho các cán bộ y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Ebola được ban hành theo Quyết định số 4600/QĐ-BYT ngày 5/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế để nắm được các triệu chứng, khai thác tiền sử dịch tễ phát hiện sớm ca bệnh.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi ngờ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thực hiện đúng các quy định về phòng ngừa chuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn đã được ban hành theo Thông tư số 18/2009/TT-BYT ngày 14/10/2009 và các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Phối hợp tốt giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan y tế dự phòng, nghiêm túc báo kịp thời các ca bệnh nghi ngờ với Trung tâm y tế dự phòng địa phương và báo cáo Bộ Y tế theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế để thực hiện xử lý kịp thời dịch bệnh.
Liên quan đến dịch bệnh này, tại cuộc họp cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết công tác giám sát dịch đã được triển khai tại các cửa khẩu từ 2 tuần nay.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, tỷ lệ tử vong do Ebola ở Congo tới gần 50% số mắc là rất cao nên mức độ là nguy hiểm. Vì thế, Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt với các tổ chức quốc tế để đánh giá khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Dù dịch xảy ra ở vùng hẻo lánh của Congo, điều kiện y tế kém, không có khách du lịch, nhưng phòng chống dịch bệnh không cho phép lơ là chủ quan. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế, WHO và US CDC; tiếp tục theo dõi giám sát tại cửa khẩu, hiện đang áp dụng giám sát thân nhiệt, chưa áp dụng tờ khai y tế cửa khẩu. Nếu có diễn biến xấu về dịch, Cục Y tế dự phòng sẽ có hướng dẫn tờ khai và hạn chế đi lại.
Hiện, trên thế giới đã có vắc xin phòng Ebola. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ đạo Cục Y tế dự phòng rà soát lại kế hoạch ứng phó và tình huống nào thì cần sử dụng vắc xin. Đồng thời ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ, rà soát các hướng dẫn về chuyên môn cho cán bộ nhân viên y tế...