Liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Vĩnh Phúc, như Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin trước đó, chiều 15/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Vĩnh Phúc về việc cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, từ chiều ngày 14/5, một số bệnh viện tại tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận nhiều người bệnh nghi do ngộ độc thực phẩm; theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Vĩnh Phúc đến 07h00 sáng ngày 15/5/2024 có hơn 414 người bệnh liên quan đến vụ việc nghi do ngộ độc thực phẩm đã đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh (hiện còn 336 người bệnh đang được điều trị).
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế hoan nghênh Sở Y tế và các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt đã chủ động tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho nhiều người bệnh, bảo đảm tốt nhất sức khoẻ, tính mạng cho người dân.
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh.
Theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, sẵn sàng hội chẩn tuyến trên khi cần thiết đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung công việc liên quan trong Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Giám đốc Sở Y tế báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế diễn biến tình hình, tình trạng người bệnh đang được điều trị để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế có chỉ đạo, hỗ trợ xử lý khi cần thiết.
Trước đó, liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra sau bữa ăn trưa tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc), ngay trong tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Đồng thời, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cùng đó, thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày11/5/2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.