Cùng tham dự buổi tiếp với Thứ trưởng diễn ra chiều 19/4, về phía Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế.
Về phía đoàn Cộng hòa Pháp có: ông Gilles Angles, Tùy viên hợp tác Y tế và Phát triển Xã hội, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; TS. Myriam de Loenzien, Giám đốc Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp; BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm SCDI, Thành viên Ban cố vấn Khoa học Quốc tế của Viện.
Tại buổi tiếp, các đại biểu đã được nghe phía đoàn Cộng hòa Pháp giới thiệu về Viện Nghiên cứu Ký ức COVID-19. Cùng đó hai bên chia sẻ về mối quan tâm liên quan đến COVID-19, các bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Hai bên cũng thảo luận về một số lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Phát biểu tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ vui mừng được đón tiếp GS Laetitia Atlani-Duault và các thành viên khác của đoàn đến làm việc.
Theo Thứ trưởng, quan hệ hợp tác Việt Nam – Pháp không ngừng được củng cố và phát triển trong thời gian qua, trong đó hợp tác y tế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Có thể nói đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống tốt đẹp, trên cơ sở tình hữu nghị và lòng tin chiến lược giữa hai nước.
Từ năm 1993, Chính phủ hai nước đã ký bản Hiệp định hợp tác về y tế và y học, từ đó mở ra rất nhiều chương trình hợp tác giữa các trường đại học, các bệnh viện của Việt Nam với các trường đại học, các bệnh viện của Cộng hòa Pháp trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh, y học dự phòng, y tế công cộng, nghiên cứu khoa học.
"Những kết quả của các chương trình hợp tác này đã hỗ trợ rất lớn cho hệ thống y tế Việt Nam, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, để tiến hành việc nghiên cứu các trải nghiệm với COVID-19 như đề xuất của phía Viện Nghiên cứu Ký ức COVID-19, Bộ Y tế đề nghị phía Viện cần phối hợp với tổ chức chủ trì nghiên cứu tại Việt Nam xây dựng đề cương nghiên cứu theo quy định, báo cáo Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và đào tạo).
Trên cơ sở đề nghị của tổ chức chủ trì nghiên cứu, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo sẽ tổ chức thẩm định về khía cạnh khoa học và đạo đức nghiên cứu theo quy định.
Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác để tăng cường công tác chăm sóc, sức khỏe nhân dân trên cơ sở tôn trọng quy định pháp luật hiện hành của các bên.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ tại Việt Nam tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát; tuy nhiên trên thế giới, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục được ghi nhận, các biến thể mới và các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, tiềm ẩn nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan trong nước.
Trên thực tế, nguy cơ xảy ra đại dịch không chỉ bắt đầu từ COVID-19 mà đã xuất hiện từ các đại dịch tác động nghiêm trọng trên toàn cầu trước đó như HIV/AIDS, SARS, cúm A(H5N1)…
Đầu năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo các quốc gia về "dịch bệnh X" ám chỉ mối đe dọa y tế tiềm ẩn trong tương lai, có thể nguy hiểm gấp 20 lần so với COVID-19. Vì vậy việc chuẩn bị ứng phó, xây dựng kế hoạch phòng, chống đại dịch cấp quốc gia trong thời gian tới là rất cần thiết để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe và góp phần chung vào sự bảo đảm an ninh y tế toàn cầu.
Việt Nam hiện đang xây dựng kế hoạch phòng, chống đại dịch với các mục tiêu: Chuẩn bị sẵn sàng, dự phòng và ứng phó phù hợp, hiệu quả; Phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong; Giảm thiểu tác động của đại dịch đối với sức khỏe, đời sống, kinh tế, xã hội; Bảo đảm các dịch vụ thiết yếu của xã hội khi đại dịch xảy ra; Bảo đảm phục hồi nhanh các hoạt động cơ bản của xã hội sau đại dịch.
Liên quan đến một số lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề xuất hợp tác xây dựng nền tảng/cơ sở dữ liệu để tổng hợp, lưu trữ các tư liệu, dữ liệu về quá trình phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các bài học kinh nghiệm để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng và phát huy trong thực tiễn quản lý nhà nước và phòng, chống các loại dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tới;
Triển khai hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu về giám sát để tăng cường cảnh báo, phát hiện sớm dịch bệnh trên cơ sở quản lý, tích hợp kết nối các nguồn dữ liệu liên quan thông qua việc ứng dụng thành tựu khoa học về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa và các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.
Nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân; xây dựng phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 4; thiết lập hệ thống quốc gia giám sát, giải trình tự gen đối với các tác nhân nguy cơ gây dịch, tiềm tàng gây đại dịch theo tiếp cận Một sức khỏe; xây dựng hệ thống ngân hàng mẫu cho các phòng xét nghiệm tuyến trung ương và khu vực, nâng cao năng lực an toàn sinh học và an ninh sinh học.
Tăng cường phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và tổ chức triển khai khung chương trình đào tạo về quản lý tình trạng khẩn cấp, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế và các bộ các ngành liên quan để nâng cao hiệu quả chuẩn bị sẵn sàng cho ứng phó với đại dịch.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã giao cho các đơn vị đầu mối của Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với phía Viện Ký ức COVID-19 tiếp tục trao đổi sau buổi làm việc này.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng bày tỏ mong muốn GS Laetitia Atlani-Duault hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh khả năng hợp tác rộng hơn trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu y tế.
Phát biểu tại buổi tiếp, GS Laetitia Atlani-Duault bày tỏ lời cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thứ trưởng và phía Bộ Y tế dành cho cá nhân bà và các thành viên tham gia đoàn.
GS Laetitia Atlani-Duault đánh giá cao những thông tin chia sẻ và trao đổi từ phía Thứ trưởng và các đơn vị của Bộ Y tế với đoàn và nhấn mạnh những mối quan tâm của phía Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm hay nghiên cứu khoa học... cũng là quan tâm của Viện Ký ức COVID-19.
GS Laetitia Atlani-Duault cũng cho biết cá nhân bà và Viện Ký ức COVID-19 luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ với Bộ Y tế những kinh nghiệm, bài học trong các lĩnh vực thế mạnh có thể bằng nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến...