Hà Nội

Bộ Y tế và tỉnh Lâm Đồng tìm giải pháp nâng cao chất lượng y tế cơ sở

23-05-2018 20:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở “hút” người dân về khám chữa bệnh ngay tại địa phương, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành phố để xây dựng mô hình điểm trạm y tế hiện đại, đồng bộ về trang thiết bị và cơ sở vật chất.

Trong hai ngày 22 và 23/5/2018, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn làm trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra công tác y tế cơ sở và triển khai mô  hình trạm y tế điểm tuyến xã  tại tỉnh Lâm Đồng.


Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi làm việc về công tác y tế cơ sở với tỉnh Lâm Đồng

Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW) coi trọng việc phát triển hệ thống  y tế cơ sở. Đây được coi là nền tảng của hệ thống y tế, trong đó đề cao khả năng cung cấp dịch vụ y tế tại các trạm y tế xã.

Để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở “hút” người dân về khám chữa bệnh ngay tại địa phương, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành phố để xây dựng mô hình điểm trạm y tế hiện đại, đồng bộ về trang thiết bị và cơ sở vật chất. Theo đó mỗi địa phương tham gia xây dựng mô hình điểm sẽ lựa chọn ra ba trạm tại ba vùng (vùng 1-2-3) phân theo mức độ khó khăn của người dân trong tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực.

Là một trong 8 địa phương được Bộ Y tế lựa chọn để xây dựng trạm y tế điểm, tỉnh Lâm Đồng lựa chọn 3 trạm y tế Thị trấn Thạnh Mỹ (vùng 1), xã Quảng Lập (vùng 2), và xã Đạ Ròn (vùng 3) để xây dựng mô hình điểm. Cả 3 điểm  này đều được công nhận xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020.

Tại Lâm Đồng, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến trao đổi, giám sát triển khai hoạt động của trạm y tế xã bao gồm: vận hành trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình; đào tạo nhân lực, cung cấp trang thiết bị nhằm cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khoẻ ban đầu;  Cơ cấu tổ chức, nhân lực; Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; Vệ sinh môi trường, y tế học đường, phòng chống tai nạn thương tích; Khám, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; Phòng, chống bệnh, dịch và quản lý bệnh không lây nhiễm; Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm; Hoạt động y, dược học cổ truyền và hợp đồng lương y làm việc tại trạm; Quản lý, sử dụng thuốc, vắc xin và mở nhà thuốc tại trạm y tế; Gói dịch vụ y tế cơ bản và quản lý tài chính; Cơ sở vật chất, vật tư và trang thiết bị; Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hoạt động.

Qua kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng trong việc xây dựng hệ thống các trạm y tế xã, với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị cơ bản đầy đủ; nhân lực có đủ về cơ cấu. Đặc biệt, các trạm này đều tiến hành tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng mở rộng, quản lý thai sản và bước đầu đã triển khai quản lý bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường...


Tiêm chủng cho trẻ em tại trạm y tế xã của Lâm Đồng

Tuy nhiên từ thực tiễn kiểm tra, Đoàn công tác đã chỉ ra một số bất cập tại các trạm y tế, như bố trí phòng theo công năng chưa hợp lý (chẳng hạn khu vực chờ tiêm chủng còn hẹp); công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ chưa thực sự tốt; chưa thực hiện xây dựng và quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Các trạm mới chỉ thực hiện сung cấp dịch vụ theo thông tư 39 mới  được khoảng 70%, nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nhân lực. Một số kỹ thuật như xét nghiệm nước tiểu, hay làm điện tim, mặc dù các trạm có thiết bị, nhưng do cán bộ y tế tại trạm không có chứng chỉ nên không thực hiện được, dẫn tới lãng phí. Việc quản lý các bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm mới ở mức thấp.

Đặc biệt, các trạm y tế này đều chưa có bác sĩ được đào tạo về y học gia đình.

Trước thực tế này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức các lớp tập huấn về y học gia đình cho 100% các bác sĩ của 160 trạm y tế xã ngay trong những tháng tới. Việc đào tạo này cũng sẽ khắc phục được tình trạng trạm y tế xã có thiết bị mà bác sĩ không có chứng chỉ để thực hiện các kỹ thuật theo danh mục được quy định cho trạm y tế xã.

Các trạm y tế  xã này đều được nối mạng Internet, có máy tính, nhưng áp dụng những phần mềm quản lý y tế khác nhau, khiến việc liên thông giữa các trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện còn hạn chế. Đoàn công tác kiến nghị ngành y tế Lâm Đồng cần tăng cường năng lực công nghệ thông tin cho đội ngũ nhân sự y tế xã, thống nhất sử dụng một phần mềm ở tất cả các trạm y tế xã; đồng thời tận dụng mạng xã hội và truyền thông mới để thực hiện truyền thông giáo dục sức khoẻ tới người dân hiệu quả hơn.

Đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế Lâm Đồng, UBND huyện Đơn Dương lắng nghe các vấn đề của ngành y tế Lâm Đồng và giải đáp những kiến nghị của tỉnh, đặc biệt là điều chỉnh những cơ chế chính sách  để tạo điều kiện cho y tế Lâm Đồng phát triển, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: y tế Lâm Đồng cần thực hiện tốt hơn việc cung cấp gói dịch vụ cơ bản theo thông tư 39; tiến hành ngay việc tập huấn quản lý các bệnh không lây nhiễm cho cán bộ các trạm y tế xã. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế tổ chức sơ kết việc thực hiện dự án Bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh Tây nguyên để thực sự đem lại hiệu quả cho khu vực này.


Thái Bình
Ý kiến của bạn