Cùng dự buổi tiếp với Thứ trưởng về phía Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan.
Về phía Pfizer có sự hiện diện của ông Anil Argilla - Chủ tịch các thị trường mới nổi châu Á; ông Mathieu Poirier - Giám đốc cấp cao, Hoạt động kinh doanh các thị trường mới nổi toàn cầu; ông Darrell Oh, Tổng Giám đốc Pfizer Việt Nam và các thành viên tham gia đoàn.
Tại buổi tiếp hai bên đã trao đổi, thông tin chung về lĩnh vực dược của Việt Nam cũng như các chính sách phát triển ngành dược, nhu cầu hợp tác phía Bộ Y tế; Hoạt động toàn cầu của Pfizer; các quan tâm của phía Pfizer liên quan đến lĩnh vực dược, vaccine...
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin đến phía Pfizer những nội dung chung về lĩnh vực dược của Việt Nam và cho biết hiện nay, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi Luật Dược theo định hướng thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất: thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.... để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, để tạo điều kiện cho phát triển ngành dược, dược liệu sản xuất trong nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 376/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
"Việt Nam đang tập trung phát triển các thuốc về công nghệ sinh học, thuốc phòng chống ung thư, sản xuất vaccine theo công nghệ mNRA, các nội dung này được thể hiện trong quá trình xây dựng Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Thuế để thu hút ưu đãi đầu tư vào Việt Nam và thực hiện chính sách ưu đãi thuế"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và thông tin thêm trong dự thảo Luật Dược sửa đổi cũng đã đề cập đến ưu tiên cấp nhanh số đăng ký; cập nhật vào danh mục thuốc BHYT cũng như đưa vào chuỗi phân phối đối với các doanh nghiệp, công ty tham gia vào chương trình, chiến lược phát triển ngành dược, công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước...
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết thêm, Bộ Y tế Việt Nam luôn mong muốn tạo ra cơ chế thông thoáng nhất cho doanh nghiệp dược đầu tư vào Việt Nam chính vì thế liên tiếp 2 năm nay, Bộ Y tế đã tổ chức các hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dược để lắng nghe những bất cập, tồn tại, khó khăn... Từ đó Bộ Y tế có thêm thông tin, tiếp thu để sửa đổi luật Dược theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về dược với mong muốn hướng tới mục tiêu người dân được tiếp cận thuốc mới, chất lượng, hiệu quả, giá cả hợp lý.
Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi đã đề xuất nhiều cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ chuyển từ hình thức xét duyệt sang hình thức công bố; rút ngắn thời gian công bố... Đồng thời có những điều khoản tham chiếu và thừa nhận lẫn nhau trong cấp phép giấy đăng ký lưu hành để tạo điều kiện cho thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Cùng đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang tập trung hoàn thiện dự án Luật BHYT sửa đổi, một trong những nội dung quan tâm là cập nhật danh mục thuốc BHYT và đổi mới hình thức thanh toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở điều trị.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Thiết bị y tế theo hướng cải cách hành chính tối đa, trong đó quan tâm nhiều đến vấn đề thừa nhận và công nhận lẫn nhau đối với các trang thiết bị y tế được các nước tiên tiến sản xuất và đưa vào sử dụng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị phía Pfizer 3 nội dung. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu chương trình phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam. "Việt Nam đang triển khai 2 khu phát triển công nghiệp dược sinh học, mong Pfizer nghiên cứu đầu tư, chuyển giao công nghệ về dược sinh học, thuốc phòng chống ung thư, sản xuất vaccine vào các khu công nghiệp này"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ hai, Pfizer chia sẻ và đồng hành với Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Thiết bị y tế và Luật BHYT sửa đổi;
Thứ ba, Pfizer chọn Việt Nam là thị trường ưu tiên để đưa vào sử dụng các sản phẩm thuốc mới.
Phía Pfizer cảm ơn Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và phía Bộ Y tế đã dành thời gian đón tiếp, trao đổi với đoàn.
Pfizer cũng đồng thời cảm ơn những thông tin Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã chia sẻ, đánh giá cao cải cách của Bộ Y tế trong quá trình xây dựng luật Dược sửa đổi. Những vấn đề phía Pfizer quan tâm như giảm thời gian đăng ký thuốc, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc; khuyến khích đầu tư sản xuất phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam đều được đề cập trong dự thảo Luật Dược sửa đổi...
"Chúng tôi vui mừng khi thấy định hướng của Bộ Y tế muốn chuyển tử sản xuất thuốc Generic sang thuốc phát minh tại Việt Nam"- ông Anil Argilla - Chủ tịch các thị trường mới nổi châu Á nói.
Phía Pfizer cho hay Pfizer luôn có quan điểm ưu tiên trong hợp tác với Việt Nam do đó mong muốn trao đổi chặt chẽ hơn với Bộ Y tế để cùng thúc đẩy phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam.
Bày tỏ đồng tình với những thông tin phía Bộ Y tế trao đổi, phía Pfizer nhấn mạnh cam kết tiếp tục là đối tác tin cậy trong tương lai, hợp tác lâu dài với Bộ Y tế Việt Nam về lĩnh vực dược, vaccine, sinh phẩm y tế…
Cũng trong hôm nay, 17/4, Pfizer Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) cùng nhau hợp tác triển khai một số dự án trong chăm sóc sức khỏe.
Hợp tác này nhằm tăng cường hiệu quả của việc quản lý tình trạng đề kháng kháng sinh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế, đã đề cập trong Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến 2045. Hợp tác dựa trên cơ sở kết hợp chuyên môn và nguồn lực thích hợp của Pfizer, cùng với sự gắn kết chặc chẽ và hiểu biết sâu sắc của VMA về vai trò và trách nhiệm của bệnh viện và các đơn vị quản lý nhà nước liên quan trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa về đề kháng kháng sinh ngày càng tăng hiện nay.
Sau đại dịch COVID-19, sự phối hợp giữa dự phòng và điều trị trong việc quản lý các bệnh về đường hô hấp ngày càng được chú trọng hơn. Pfizer Việt Nam và VMA cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn và nguồn lực để thúc đẩy việc người dân có hội hội tiếp cận đến những giải pháp dự phòng mới hay thuốc mới trong quản lý nhiễm khuẩn hô hấp.
Ngoài ra, hai bên cũng cam kết tiếp tục hợp tác, trao đổi, hỗ trợ việc cập nhật thông tin và kiến thức y học cho cán bộ y tế. Điều này rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe của cán bộ y tế nhằm đảm bảo phúc lợi về sức khỏe của người dân Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu đã đồng thuận ở trên, dự án được thiết kế để nâng cao kết quả chăm sóc sức khỏe thông qua một loạt các sáng kiến và hoạt động chung, bao gồm:
Phối hợp tài trợ, bảo trợ các hoạt động, sự kiện khoa học kỹ thuật về chuyên ngành chăm sóc sức khỏe và về xây dựng chính sách/các vấn đề liên quan trong quản lý chăm sóc sức khỏe; Phối hợp cùng các cơ quan chăm sóc sức khỏe có liên quan để hỗ trợ khối bệnh viện trong việc triển khai chương trình quản lý đề kháng kháng sinh – AMS, kiện toàn năng lực khối vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng và bác sĩ điều trị trong việc sử dụng kháng sinh đúng Phối hợp với các bên liên quan để nâng cao năng lực dự phòng và chẩn đoán, điều trị nhiễm khuẩn hô hấp.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết: Biên bản ghi nhớ hợp tác với Pfizer Việt Nam là một cột mốc để đánh dấu sự hợp tác giữa các thành phần liên quan trong việc chung tay nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Chúng tôi rất hy vọng sẽ mang đến những tác động tích cực từ các sáng kiến chung của chúng ta thông qua các chương trình hoạt động cụ thể đã được đề cập trong hợp tác này.
Ông Anil Argilla, Chủ tịch các thị trường mới nổi châu Á, công ty Pfizer cho biết, quan hệ hợp tác giữa Pfizer và Tổng Hội Y học Việt Nam là một minh chứng trong cam kết của Pfizer về trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Sự hợp tác này đóng một vai trò quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống y tế và việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
"Chúng tôi rất vui mừng được đồng hành cùng với Tổng Hội Y học Việt Nam để góp phần giải quyết một số thách thức trong chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam", ông Darrell Oh, Tổng Giám đốc Pfizer Việt Nam cho biết và nêu rõ: Cả AMR và các bệnh về đường hô hấp hiện đều đang là mối quan tâm cấp thiết cho xã hội nói chung, tôi tin rằng, những nỗ lực này sẽ mang lại nhữrng hiệu quả thiết thực không chỉ trong quản lý nhà nước mà còn cho cả sức khỏe của người bệnh.