Chiều 24/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội. Về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và lãnh đạo các vụ, cục đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Về phía BHXH Việt Nam có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh cùng lãnh đạo các Vụ, ban của BHXH Việt Nam.
'Quỹ BHYT là quỹ chung của toàn dân. Do đó, trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ quỹ là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta'
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, BHYT là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã họp bàn ban hành quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách nay. Sau 12 năm triển khai, Quy chế phối hợp đã được tổng kết, đánh giá, sửa đổi phù hợp Luật BHYT qua từng thời kỳ, tình hình kinh tế - xã hội và pháp luật có liên quan.
Năm 2020, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong tình hình mới; thống nhất tăng cường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong xây dựng hệ thống pháp luật về BHYT, tuyên truyền, phổ biến chính sách; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…
Với 7 đầu việc cụ thể đã được các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ, triển khai toàn diện. Sau thời gian có những gián đoạn do dịch bệnh, năm 2023, hai cơ quan đã luân phiên tổ chức họp, giao ban để kịp thời thảo luận, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách BHYT.
Cũng tại hội nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là rà soát ban hành chính sách phù hợp, trước hết là Luật BHYT sửa đổi. Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về BHYT, để sử dụng hiệu quả Quỹ.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Quỹ BHYT là quỹ chung của toàn dân. Do đó, trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ quỹ là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta. "Để triển khai hiệu quả chính sách BHYT, thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn nữa trong việc thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT, để sử dụng hiệu quả Quỹ, phát huy chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Năm 2023, có hơn 174,8 triệu lượt khám bệnh chữa bệnh BHYT, Quỹ chi khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng
Tại Hội nghị, đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế), Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đã báo cáo tóm tắt về các kết quả đạt được trong thực hiện quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt khám bệnh, chữa bệnh so với năm 2022. Số chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả Quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Để đảm bảo công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam được thường xuyên, liên tục trong việc triển khai các nhiệm vụ về thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, hạn chế các vướng mắc phát sinh kéo dài, lãnh đạo Vụ BHYT cho biết: Trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp trong xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT. Trong đó, kịp thời sửa đổi bổ sung ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật có bất cập, chồng chéo để giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn...
"Xem xét thành lập Tổ công tác chung về giải quyết các vướng mắc, cơ cấu Ban bao gồm: Lãnh đạo Bộ Y tế và Lãnh đạo BHXH Việt Nam và đại diện cơ quan có liên quan của các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và trong đó có các Vụ, Cục, Ban liên quan của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, các Hội đồng chuyên môn về Y, dược của Bộ Y tế, Hội đồng Y khoa Quốc gia. Để đảm bảo tính độc lập khách quan và xử lý kịp thời các vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT và điều chỉnh kịp thời các vướng mắc do các văn bản quy định chưa thống nhất trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT"- Vụ trưởng Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Chia sẻ kết quả thực hiện chính sách BHYT thời gian qua, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 93,307 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ).
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, bao gồm: Xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHYT…; kịp thời có những giải pháp hiệu quả trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHYT theo Luật định.
Trong năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ký hợp đồng với hơn 12.851 đơn vị (2.600 cơ sở khám chữa bệnh BHYT ký trực tiếp và hơn 10 nghìn trạm y tế xã và tương đương). Tất cả các cơ sở này đã kết nối với Hệ thống thông tin giám định của BHXH Việt Nam, tỷ lệ liên thông dữ liệu trong ngày đạt 94,5%. Quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được đảm bảo theo quy định. Người bệnh đến khám chữa bệnh không phải chờ đợi lâu. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế đã từng bước được khắc phục. Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh các tồn tại trong công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT...
Năm 2023 cũng là năm Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã triển khai rất tốt Đề án 06 của Chính phủ nhằm cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT: hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện việc đăng ký KCB cho người bệnh bằng ứng dụng VneID, VssID, căn cước công dân. Nghị định số 75 đã chính thức cho phép sử dụng các ứng dụng nêu trên để người dân đi khám chữa bệnh một cách thuận lợi nhất.
Đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 55 triệu lượt người sử dụng căn cước công dân thay thẻ BHYT để làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, góp phần rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Tiếp tục phổi hợp chặt chẽ 2 ngành vì quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, qua theo dõi của Ủy ban, thời gian qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp rất tốt, giải quyết được rất nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT và công tác khám chữa bệnh BHYT. Nhiều vấn đề 2 cơ quan đã trực tiếp thảo luận, tháo gỡ kịp thời.
"Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tập trung nâng cao quyền lợi người tham gia, nhất là vấn đề trong cung ứng thuốc, vật tư y tế"- ông Nguyễn Hoàng Mai nói.
Tham luận tại hội nghị, thay mặt Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Bộ Y tế bà BHXH Việt Nam thời gian qua, nhất là trong công tác hoàn thiện quy định pháp luật về BHYT, tháo gỡ khó khăn trong khám chữa bệnh BHYT.
Theo ông Đệ, những kết quả đó đã góp phần quan trọng để hơn 300 bệnh viện tư nhân và hơn 40.000 phòng khám hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò của mình, góp phần cùng hệ thống y tế công lập làm tốt công tác khám chữa bệnh BHYT cho nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng bày tỏ đánh giá cao về những kết quả phối hợp của 2 ngành đã đạt được qua thực hiện quy chế phối hợp thời gian qua. Qua việc hoàn thiện thể chế, quy định về BHYT, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT đã mang lại những lợi ích, chuyển biến lớn, tích cực về phía cơ sở y tế và cả người dân.
Xác định mục đích chung của 2 ngành là phục vụ người dân trong khám chữa bệnh BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2023 từ những tháo gỡ của 2 Ngành đã mang lại kết quả rất lớn nên năm 2024 nhiệm vụ này cần tiếp tục tăng cường với phạm vi bao trùm hơn nữa, tập trung đổi mới phương thức thanh toán; xây dựng, sửa đổi Luật BHYT.
Việc tăng độ bao phủ BHYT cần đặc biệt quan tâm, để ngày càng có nhiều người dân tham gia, mục tiêu phấn đấu là đạt hơn 94,2%. Đây là nhiệm vụ không ít khó khăn vì dư địa còn lại không nhiều, do đó, cần sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, cùng các cơ quan liên quan...
"Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo và các đơn vị 2 Ngành, tôi tin tưởng năm 2024, công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện chính sách BHYT sẽ tiếp tục đạt kết quả quan trọng, nổi bật, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn" – Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.