Tham dự lễ ký kết, về phía Bộ Y tế có GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Trường Sơn, Trần Văn Thuấn, Trương Quốc Cường cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng/Thanh tra Bộ
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh bắt tay chúc mừng Quy chế hợp tác mới của 2 cơ quan được ký kết Ảnh: Trần Minh
Về phía bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, các đồng chí Phó Tổng giám đốc: Phạm Lương Sơn, Đào Việt Ánh, Trần Đình Liệu, Lê Hồng Sơn cùng lãnh đạo các Ban/ Trung tâm của cơ quan BHXH
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Quy chế áp dụng đối với Bộ Y tế và các đơn vị thuộc Bộ Y tế; BHXH Việt Nam và các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Để đáp ứng với các mục tiêu của chính sách BHYT, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn về sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu chắm sóc sức khoẻ của nhân dân, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã xây dựng Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHYT ở nước ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, gần 90% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT, theo lộ trình này sẽ đạt 95%. Quỹ BHYT đang là công cụ tài chính quan trọng đảm bảo hoạt động của ngành Y tế, giúp các cơ sở y tế được vận hành, cung ứng dịch vụ ngày càng tốt và hoàn thiện hơn.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ ký kết Ảnh:Trần Minh
"Bộ Y tế và BHXH Việt Nam hiện như hai người trên một con thuyền. Mỗi người một mạn thuyền nên cần phải bơi cùng nhau để con thuyền tiến lên”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và nhấn mạnh việc ký kết Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giữa hai Ngành là điều cần thiết để thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHYT; khắc phục những tồn tại, hạn chế; phù hợp với thực tiễn về sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ; mở rộng, tăng cường chất lượng dịch vụ y tế do quỹ BHYT chi trả…
"Với nội dung phối hợp đã được thể hiện đầy đủ trong Quy chế lần này, tôi đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nghiêm túc triển khai thực hiện”-Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh
Cùng quan điểm với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về sự cần thiết phải có Quy chế phối hợp mới với tầm nhìn mới, thay thế Quy chế phối hợp đã được ký kết năm 2008 giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, sự phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có những bước tiến mới, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Sự phối hợp đó được thể hiện rõ nét trong công tác xây dựng chính sách pháp luật về khám, chữa bệnh BHYT; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, tạo sự thống nhất để giảm thiểu tối đa các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương.
Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, một trong những hoạt động phối hợp nổi bật giữa hai Ngành là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Hiện nay, toàn quốc có hơn 12 nghìn cơ sở khám chữa bệnh từ trạm y tế xã trở lên đã được kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng Thông tin giám định BHYT.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi lễ Ảnh:Trần Minh
Nếu trong năm 2017, tỷ lệ liên thông dữ liệu khám chữa bệnh trong ngày chỉ đạt 38% thì đến nay đã đạt 89%. Công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đã được thực hiện bằng hệ thống phần mềm, đảm bảo chính xác và minh bạch hơn. Ngoài ra, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử...
Với những định hướng, mục tiêu cụ thể hai Ngành đã đề ra, tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã thông qua và ký kết Quy chế phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT thời gian tới. Quy chế gồm 3 chương, 11 điều quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam
Về nguyên tắc phối hợp: Thực hiện và tuân thủ chủ trương, chính sáchcủa Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên (theo thẩm quyền).
Bảo đảm các hoạt động phối hợp đượcthực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Y tế và chỉ đạo tổ chức thực hiện của Lãnh đạo BHXH Việt Nam. Thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Về các nội dung phối hợp: Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bao gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển BHYT; Xây dựng và trình Chính phủ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHYT; Đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; Phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT;
Lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cùng ký kết Quy chế hợp tác giữa hai bên Ảnh:Trần Minh
Phối hợp đánh giá,tổng kết các hoạt động trong lĩnh vực BHYT; Phối hợp trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về lĩnh vực BHYT; Phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 1939/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan”...
Cho đến nay, đã có khoảng 90% dân số tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng, hàng năm có hàng trăm triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến với chi phí những năm gần đây lên tới gần 100 tỷ đồng mỗi năm; quỹ BHYT cùng với các chính sách về tài chính y tế khác đóng góp vào sự cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.